Dương Khiết - linh hồn của bộ phim Tây Du Ký qua đời hôm 15/4 vì tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi. Vị đạo diễn nổi tiếng trút hơi thở cuối cùng trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và nhiều thế hệ khán giả, bởi bà góp phần làm nên thành công của một tác phẩm kinh điển, có giá trị tinh thần xuyên suốt nhiều thập kỷ.
Tây Du Ký được đạo diễn Dương Khiết tái hiện trên màn ảnh từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân. Tác phẩm bao gồm 41 tập (phần 1: 25 tập; phần 2: 16 tập), với thời lượng quay kỷ lục là 17 năm, tập đầu lên sóng vào năm 1983. Ít ai biết, đằng sau thành công của phim là rất nhiều những câu chuyện dài về tinh thần nỗ lực vượt khó của diễn viên, đạo diễn cũng như tình người giữa các thành viên trong đoàn. Nhắc về Tây Du Ký, không thể bỏ qua công đầu của vị "tổng tài" giữ gìn kỷ luật thép, giúp cho tác phẩm đi đến cái kết một cách tốt đẹp, đó chính là Dương Khiết. Trong cuốn tự truyện được xuất bản năm 2014, vị đạo diễn nổi tiếng cũng từng viết: "Tôi đã từ chối xem phim Tây Du Ký suốt cả một thập kỷ, bởi nó nhắc tôi về quá nhiều nỗi buồn, sự tức giận và thất vọng trong quá trình làm phim".
|
"Tây Du Ký", tác phẩm đi cùng năm tháng. |
Năm 1981, Dương Khiết khi đó đang là người dẫn chương trình của đài CCTV đã được giao trọng trách trở thành đạo diễn của series phim truyền hình Tây Du Ký, với mục tiêu được giám đốc đài đề ra là "chỉ cần bộ phim có chất lượng tốt hơn tác phẩm mà phía Nhật từng sản xuất". Dương Khiết khi đó đã khẳng khái đáp: "Tiêu chuẩn của ông quá thấp".
Quá trình làm phim bắt đầu từ năm 1982, mất 6 năm để cả đoàn hoàn thành. Lúc đầu đoàn phim dự tính quay 30 tập nhưng do kinh phí hạn chế nên chỉ làm được 25 tập. Thời điểm này, kỹ xảo, công nghệ của ngành làm phim Trung Quốc còn rất non nớt, tuy nhiên Dương Khiết rất kiên định lập trường "càng thật càng tốt": thay vì "treo" diễn viên lên bằng dây cáp để diễn những cảnh giao chiến, đạo diễn thuê những vận động viên trẻ ở các trường thể dục, thể thao nhảy ở các tấm đệm lò xo trong các góc quay từ trên cao nhìn xuống. Không chỉ có vậy, bà sử dụng toàn bộ ngoại cảnh thật, dù bị cấp trên "chỉ thị" phải tiết kiệm tối đa. Thậm chí, trong quá trình quay Tây Du Ký, vì cho rằng Dương Khiết quá hoang phí tiền của, nhà đài từng cử hẳn một đội thanh tra đi cùng đoàn, nhằm... giám sát chi tiêu. Sau này, đoàn điều tra hiểu ra sự việc và thương Dương Khiết đến mức... đóng góp 1 triệu yuan cho bà tiếp tục làm phim.
CCTV những năm ấy chưa đánh giá hết giá trị của Tây Du Ký, thậm chí có thời điểm đã ngừng cung cấp kinh phí sản xuất phim. Dương Khiết từng có lúc "cố chấp" tự móc tiền túi là 3 triệu NDT để làm nốt phim, nhưng cuối cùng, bà vẫn buộc phải cắt bỏ 5 tập để giảm kinh phí. Sau này, trong nhiều lần phỏng vấn, vị đạo diễn vẫn cho rằng "đây là một nỗi tiếc nuối lớn nhất trong đời".
Nói về chuyện hục hoặc của vợ với mọi người vì Tây Du Ký, nhà sản xuất Vương Sùng Thu cũng phải thốt lên: "Bản tính bà ấy ương bướng nên gây xích mích với cả lãnh đạo lẫn các chuyên gia". Nhà sản xuất nhớ lại chuyện chọn nhạc phim Tây Du Ký, vợ ông khi đó sử dụng ca khúc chủ đề Hoan nhạc Hoa Quả Sơn có âm điệu điện tử sống động, vui tươi, phù hợp với tinh thần "làm mới" cho tác phẩm. Tuy nhiên, "cấp trên" sau khi nghe ca khúc Dương Khiết chọn đã rất tức giận, cho rằng bà phá vỡ giá trị của một tác phẩm kinh điển, yêu cầu bà phải thay thế bằng bài hát có giai điệu truyền thống. Dương Khiết khi đó đã rất tức giận, lập tức đáp trả bằng lời lẽ đanh thép: "Làm ơn đừng điều khiển tôi phải làm thế nào, tôi được giao trách nhiệm, tôi sẽ làm tròn trách nhiệm, và chịu trách nhiệm vì việc mình làm".
Ông Vương nói, dù vợ tính cách quyết liệt, tuy nhiên bà lại cũng rất chịu khó thay đổi. Ông kể một ví dụ: "Nguyên tác nhân vật Tôn Ngộ Không khi đó người đầy lông lá, mặt mũi đáng sợ, như vậy nếu lên truyền hình thì trẻ con nào chịu xem? Vì thế Dương Khiết quyết định thay đổi, giữ một phần nguyên tác nhưng vẫn mạnh tay chỉnh sửa, thậm chí... tô má hồng cho Tôn Ngộ Không, khiến nhân vật gần gũi hơn với tính cách con người đời thực".
|
Ca khúc mở đầu phim "Tây Du Ký" |
Quá trình quay phim, Dương Khiết không chỉ chống lệnh cấp trên, thậm chí khiến cấp dưới cũng phải tức giận. Những năm đó các cảnh quay "lộ da thịt" đều bị kiểm duyệt gắt gao, thậm chí bản thân diễn viên cũng tự đề ra những yêu cầu nghiêm khắc cho mình. Tuy nhiên, quan điểm của Dương Khiết "khác người", bà yêu cầu dàn yêu tinh nữ phải mặc đồ mỏng, để lộ eo. Không ít diễn viên nữ khi đó kịch liệt phản đối, thậm chí tỏ thái độ với đạo diễn. Tuy nhiên, cuối cùng, tất cả đành theo ý... Dương Khiết. Có người không chịu nổi cá tính của đạo diễn nên bỏ đoàn. Bản thân "người bị ghét" cũng từng tiết lộ nỗi buồn khi bị nhiều nhân viên cô lập, bà viết trong tự truyện: "Phim thành công, diễn viên được vinh danh, được tặng hoa, chỉ còn tôi vẫn là người cô đơn nhất".
Lục Tiểu Linh Đồng - người đóng vai Tôn Ngộ Không từng chia sẻ, Dương Khiết là một đạo diễn nghiêm khắc đến hà khắc, tuy nhiên vẫn là người thầy mà ông trân trọng. Ông chia sẻ trên trang cá nhân trong dịp Dương Khiết tròn 88 tuổi: "Dương Khiết là người thầy, người bạn nghệ thuật lớn tuổi của tôi, nếu không có bà và Tây Du Ký của CCTV, sẽ không thể có tôi ngày hôm nay. Không thể quên những tháng ngày đóng phim, Dương Khiết đã đặt ra những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt, thế nên mới có thành công của tác phẩm".
Cũng ít người biết, nhà sản xuất phim Tây Du Ký là Vương Sùng Thu, ông chính là chồng của đạo diễn Dương Khiết. Ngoài đời là vợ chồng, nhưng trên phim trường họ cãi nhau "như mổ bò", cãi nhau đến đỏ mặt tía tai chỉ vì tác phẩm. Kể lại chuyện này, ông Vương từng đùa rằng người "đối đầu" với Dương Khiết nhiều nhất trong đoàn chính là ông: "Tranh luận lâu đến đâu, cuối cùng người chịu khuất phục vẫn là tôi".
Bản thân nữ đạo diễn từng thừa nhận tính cách ương bướng của mình: "Khi tôi đã quyết việc gì, khó mà thay đổi được. Ông ấy đóng góp ý kiến, tôi tiếp thu, nhưng nếu nó sai với ý định ban đầu của tôi, tôi sẽ không đồng ý, ông ấy vẫn phải nghe theo".