Những xe dưa lớn nằm chờ bán hàng ở cửa khẩu. |
Chị Phạm Thị Dung, 1 trong 5 chủ hàng lớn nhất chuyên buôn dưa hấu từ nội địa xuất sang Trung Quốc quay ra phân trần: “Lúc này, buôn dưa cứ như đánh bạc vậy. Lỗ, nhưng cứ phải đóng, xuất hàng tìm cơ... gỡ”.
Với thâm niên 10 năm bám trụ ở cửa khẩu Tân Thanh chuyên buôn dưa và hoa quả sang Trung Quốc, chị Dung đã gây dựng đủ uy tín để các xe hàng của chị xuất qua biên giới không cần phải kiểm tra. Người đàn bà được mệnh danh là "hoa hậu buôn hoa quả vùng biên" này đứng ngồi không yên, dáng đã phờ phạc lắm. Mỗi xe hàng đến cửa khẩu lại mang thêm cho chị một nỗi toan lo. Chiều qua, chị phải yêu cầu anh em lái xe án ngữ tại bãi đỗ xe Tân Thanh để nghe ngóng tin từ Pò Chài, cách Tân Thanh 500 m ở phía bên kia biên giới.
Một số xe từ Pò Chài về thả cửa cho người dân sở tại lên “vác hộ” những đống dưa được phía bạn coi là chưa đủ chất lượng để ăn, để bán. Người ăn không hết. Thậm chí, chỉ vào đám người lam lũ đang vừa ăn dưa, vừa bốc dưa ném nhau, bà Thạc, bán hàng nước kề đó bảo: "Lũ ấy chuyên đi cõng hàng lậu đấy, mệt, khát lại ra nhặt dưa ăn. Lại sức, đi vác tiếp". Gần 30 con trâu quanh cửa khẩu Tân Thanh này cũng tập kết về cửa khẩu uể oải nhai dưa. Người, trâu thi nhau ăn mà không hết. Màu đỏ của dưa ứa lên từ những bãi đỗ xe và hai bên đường trục chính của Tân Thanh. Công nhân vệ sinh dọn không kịp, dậy lên mùi gay gay.
Dưa hấu không bán được phải mang cho trâu ăn. |
Chị Huyền, một trong năm chủ buôn dưa lớn của Tân Thanh, phàn nàn: "Mình đang rộ mùa thu hoạch dưa hấu nên ùn ùn đưa về Tân Thanh tiêu thụ. Tư thương Trung Quốc được dịp chèn ép, chỉ lấy những loại dưa ngon giống Thái Lan. Dưa dài, sọc hay An Tiêm dân ta vẫn ăn ngon lành, họ chỉ trả sáu, bảy hào tệ 1kg (mỗi tệ tương đương 1.800 đồng).
Trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh Nguyễn Văn Chương cũng ra phân bua: “Nhà nước mình phải có chính sách điều tiết thế nào đấy chứ mình cứ mãi buôn bán tiểu ngạch, kiểu ngẫu hứng, có gì là tập trung dồn về đây thế này, bán mất giá lắm”.
Nghe vậy, chị Dung được dịp lấy lòng cán bộ hải quan: "Các anh ấy thông thoáng lắm rồi, 8-9h tối, 4-5h sáng vẫn cử cán bộ làm thủ tục cho chúng tôi kịp xuất hàng sang Pò Chài. Nhưng phải đận ta được mùa, Trung Quốc cũng được mùa dưa hấu, tiết trời của họ năm nay lại lạnh nên dưa hấu ở bên đó cũng không được giá như mọi năm.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, ra Tết đến nay, nhất là 20 ngày gần đây, mỗi ngày Tân Thanh có 130-150 xe dưa (tương đương trên 600 tấn dưa/ngày) xuất sang Trung Quốc. Theo ghi nhận của người dân sở tại, các xe này không còn phải chịu cảnh xếp hàng chờ làm thủ tục đến thối cả dưa mới đưa được xe sang Pò Chài như trước kia. Ngặt nỗi thứ gì nhiều quá cũng hóa rẻ.
Điều đó, ai cũng biết nhưng bao lâu nay vẫn chưa tránh được. Có ngày, lỗ đứt 200 triệu đồng. Điếng hết cả người nhưng vẫn phải “ăn” dưa chờ giá lên để gỡ lại. Nhưng, những người trường vốn, buôn bán lớn như chị Dung, chị Huyền, bà Chung, cô Hà còn đủ sức túc tắc mỗi ngày xuất 5-6 xe.
Những người khác, theo giới buôn bán ở đây kháo nhau, đã bán cả xe, nhà, đất mà vẫn chưa đợi được giá dưa lên. Chả thế, bình thường Tân Thanh có 20-30 chủ buôn hoa quả rôm rả ở cửa khẩu. Người ra vào làm thủ tục xuất khẩu nườm nượp, nay cán bộ hải quan tiếp nhận tờ khai “ế hàng, ngồi ngáp vặt”.
Có phải ta bị ép giá? Câu trả lời là không. Bởi bên Pò Chài, các chủ buôn dưa cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Có không dưới 30 xe chở dưa (loại 16 tấn) đang nằm chờ các chủ bán buôn Trung Quốc nhận hàng để đem vào tiêu thụ. Ở ta, người buôn dưa phàn nàn chi phí mỗi chuyến xe từ Nam ra Lạng Sơn đã tăng lên từ 4 triệu lên 7 triệu đồng.
Bên Pò Chài, xe chở dưa về Thượng Hải, Nam Ninh, Bắc Kinh tuy chi phí không tăng nhưng do tiết lạnh, nhu cầu ăn dưa giảm nên không ít chủ dưa cũng phải chấp nhận lỗ. May mà mấy hôm nay tiết trời bên đó đã ấm lên, giá dưa cũng nhích lên mức hòa vốn hoặc lãi chút đỉnh. Phía Việt Nam, nếu như hầu hết chủ buôn hoa quả là phụ nữ thì bên này, công việc ấy lại toàn do cánh mày râu cáng đáng. Họ chỉ giống nhau ở điểm đang bơ phờ, thê thảm vì dưa. Ông Phan Văn Đạt, lái xe, đang giao hàng than vãn: “Ra Tết, tôi bán được 1,8 triệu đồng/tấn dưa hấu. Thế nhưng, những ngày qua, chỉ còn 500.000 đồng/tấn”.
Cũng trong tình cảnh tương tự, chị chủ hàng Phạm Thị Huệ, quê Bắc Giang, đang ngồi nhặt những trái dưa thối vứt đi do không bán được nói: "Mỗi ngày xe đã sang bên Trung Quốc phải nộp tiền thuê bến xe tối thiểu là 70.000 đồng/ngày. Nếu ở 5 ngày không bán được hàng, mất đứt tấn dưa, phải bán gỡ lại ít vốn. Đã mang dưa lên chẳng lẽ vất đi hết", chị Huệ nhăn nhó. Dưa rẻ tràn lan ở chợ, chị Huệ đành đem đi bán lẻ cho vài hộ bán buôn quanh đó với giá 3.000 đồng/quả dưa khoảng 6-7 kg.
Theo chị Huệ, những ngày qua giới buôn dưa Trung Quốc cũng đã bàn nát nước. Giải pháp mà họ đưa ra là, đề nghị với chị làm đầu mối thuê đất trồng dưa tại Việt Nam, trồng trái vụ hoặc chính vụ nhưng phải là loại chất lượng cao. Qua người phiên dịch là chị Huệ, một chủ hàng Trung Quốc tên là Vương Chính nói với chúng tôi, đại loại: thị hiếu người Trung Quốc bây giờ là ăn dưa ngon. Dưa thường, đảo Hải Nam đưa sang không thiếu. Ông cũng đề nghị bà Huệ chung vốn mở công ty chuyên sản xuất hộp carton đóng gói dưa. “Việt Nam cứ dùng rơm để đóng gói dưa, nhanh nẫu lắm, lại không đẹp”, ông Văn Đạt nói.
Chị Dung cũng đang đi vận động để sang năm đóng gói bằng carton cho bền dưa, được giá. Lại sang năm. Tôi nhớ năm ngoái cũng ở cửa khẩu này, tôi được một cán bộ ở Lạng Sơn hứa, sang năm sẽ có trung tâm thương mại Sài Gòn - Tân Thanh rộng mấy chục ha ở gần cửa khẩu để làm bến đỗ, dụ tiểu thương Trung Quốc sang mua hàng cho đỡ rủi ro. Nhưng tối qua, tôi ra đó vẫn còn chềnh ềnh những ngôi nhà chưa chịu trả mặt bằng…
Giới buôn bán ở Tân Thanh và người dân trồng hoa quả phía Nam còn phải chật vật đánh bạc với hoa quả họ trồng, xuất khẩu… Mùa vải, nhãn đang sắp vào vụ thu hoạch. Chiếu bạc lớn lại sắp mở ra ở cửa khẩu quốc tế này…