- Cơ duyên nào đưa anh đến với âm nhạc cũng như trở thành ca sĩ chuyên hát nhạc đỏ?
- Từ năm 7 tuổi tôi đã thích hát, cứ nghêu ngao suốt ngày và thích nghe những bài ca đi cùng năm tháng trên radio. Năm 12 tuổi, tôi được người nhà giới thiệu cho cô Thanh Tâm ở trường nhạc. Rất mê học hát nhưng chưa đủ tuổi và thể lực để theo thanh nhạc nên tôi được cô khuyên học đàn bầu rồi sau đó tìm cơ hội chuyển khoa. Đó là cơ duyên đầu tiên đưa tôi đến với âm nhạc.
Trong 5 năm học đàn bầu, tôi vẫn cứ ôm đàn và hát suốt. Nhiều bạn học, tiền bối ở khoa dân tộc hồi đó đều khuyên tôi nên chuyển sang học thanh nhạc để có nhiều cơ hội hơn. Thời điểm đó, tôi hỏi ý kiến cô Thanh Tâm, thầy Trần Hiếu và học song song cả hai, đến năm 1996 thì dừng hẳn đàn bầu để tập trung cho thanh nhạc. NSND Trung Kiên và NSND Quang Thọ là hai người thầy có ảnh hưởng lớn đến tôi khi theo đuổi con đường thanh nhạc và những ca khúc bất hủ.
- Anh vượt qua những khó khăn gì để trở thành một ca sĩ?
- Tôi bắt đầu đến với âm nhạc những năm đầu thập niên 1990, đói khổ lắm. Cơm của sinh viên nhạc viện khi ấy toàn gạo hẩm và rau lợn. Nước uống là nước ở bể công cộng, chẳng có ấm mà đun. Tôi gầy, thiếu chất đến mức đi không vững, cứ đứng lên là xây xẩm mặt mày. Một trong những động lực khiến tôi chuyển từ đàn bầu sang thanh nhạc chính là nhìn thấy các anh, chị khoa thanh nhạc cùng thời sống đủ đầy hơn mình vì có cơ hội đi diễn. Mỗi lần nhìn Tấn Minh đi hát về có tiền mua cam vắt nước uống, tôi thèm lắm (cười).
Thấy con trai khổ sở, thiếu thốn khi học trường nhạc, bố mẹ ở quê từng biên thư lên nói tôi về nhà, tập trung học văn hóa và thi đại học để có tương lai ổn định sau này. Có chút chống chếnh vì cuộc sống quá đói khổ, tương lai vô định nhưng vì đam mê, tôi vẫn xin bố mẹ cho thêm một năm để rèn luyện cho kế hoạch chuyển khoa. Cuối cùng, tôi trở thành thủ khoa năm đó và được bố mẹ tin tưởng cho theo đuổi con đường mình đã chọn.
Tôi thi vào trường bằng một bài hát nhạc nhẹ và chương trình đào tạo thanh nhạc khi ấy cũng chủ yếu xoay quanh nhạc nhẹ, trong khi đam mê lại hướng đến nhạc đỏ, cổ điển. May mắn lớn nhất của tôi là được NSND Trung Kiên nhận làm học trò. Ngày ngày tôi đạp xe từ nhạc viện lên nhà thầy học bài và được truyền dạy rất tỉ mỉ về cách hát opera, nhạc thính phòng. Lần đầu tiên được hát ở thánh đường nghệ thuật Nhà hát Lớn, tôi đê mê, sung sướng đến lịm người vì ước mơ của mình thành hiện thực.
- Ca sĩ thính phòng, nhạc đỏ cần khổ luyện nhiều năm nhưng thường lép vế hơn ca sĩ nhạc nhẹ về cát-xê hay show diễn, điều đó khiến anh nghĩ gì?
- Khi được trau dồi và lĩnh hội tất cả kỹ thuật về thanh nhạc cũng như cách hát kinh điển Việt Nam, Nga hay thế giới, tôi ngày càng đam mê thính phòng. Tôi kiên định với con đường này và sẽ theo nó cả đời. Tất nhiên, nhìn các ca sĩ nhạc nhẹ kiếm nhiều tiền, có nhiều show hơn cũng khiến tôi có chút chạnh lòng, nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua. Những ca khúc tôi hát đều là những tác phẩm kinh điển, mang tính lịch sử, đi cùng năm tháng và mãi được khán giả yêu mến.
- Bà xã nói gì khi những đồng nghiệp cùng thời của anh có kinh tế sung túc, giàu có hơn?
- Khi gặp bà xã năm 2000, tôi đã có tiếng nhưng chỉ đủ ăn, đủ sống. Trong khi nhiều nghệ sĩ khác đã đủ đầy, tôi chẳng có gì ngoài cái xe máy cọc cạch. Dù vậy, vợ chồng tôi vẫn rất vui vì có niềm tin vào điều mình đam mê. Vật chất thì ai cũng cần nhưng vợ chồng tôi không đặt nặng lắm.
Sau khi cưới, tôi và vợ phải vay mượn tứ tung để mua một căn nhà nhỏ xíu ở Linh Đàm. Thấy hai vợ chồng có mỗi 500 nghìn khi đi mua rèm, cô bán hàng còn bảo: "Cô biết thằng này hay hát trên tivi. Cô thích những bài cháu hát lắm. Hai đứa cứ lấy cái tốt tốt mà dùng rồi cô cho nợ". Những tình cảm trân quý đó của khán giả càng khiến tôi có động lực để theo đuổi nhạc đỏ.
Vợ hiểu tôi hơn ai hết. Gần 20 năm chung sống, điều cô ấy mong muốn nhất là tôi được cất cao tiếng hát, chưa bao giờ gây áp lực cho chồng về chuyện tiền bạc. Không những thế, cô ấy còn là hậu phương, ủng hộ tôi trong mọi quyết định. Trước khi cưới, cô ấy hát nhạc nhẹ và chỉ nghe nhạc nhẹ nhưng giờ lại rất yêu nhạc đỏ. Chúng tôi có sự hòa hợp, đồng cảm cả trong cuộc sống lẫn âm nhạc.
- Đâu là những dấu mốc lớn nhất trong sự nghiệp âm nhạc của anh?
- Giải nhất Giọng hát hay Hà Nội 1995 và giải nhất cuộc thi hát nhạc thính phòng toàn quốc 1996 là bước ngoặt giúp tôi mở rộng con đường âm nhạc, đồng thời chứng minh được với bố mẹ rằng mình có thể sống bằng nghề. Hai giải thưởng đó không có độ phủ sóng lớn với khán giả nhưng giúp tôi được giới chuyên môn và dân trong nghề biết đến. Sau khi kết hôn, có bà xã thúc đẩy và hỗ trợ, tôi yên tâm dành hết sức lực cho âm nhạc và từ đó phát triển tốt hơn.
Việc kết hợp với Trọng Tấn, Việt Hoàn thành tam ca nhạc đỏ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Cách đây nhiều năm, NSND Quang Thọ quy tụ chúng tôi trong một tiết mục tam ca để tạo sự độc đáo khi tranh giải ở một cuộc thi. Phần thi năm ấy không ngờ có tiếng vang rất lớn, thành công ngoài mong đợi và từ đó chúng tôi thường xuyên được mời hát cùng nhau. Chúng tôi chưa bao giờ thành lập nhóm và mỗi người đều có sự nghiệp solo riêng nhưng mỗi lần kết hợp đều tạo hiệu ứng rất tốt. Nhiều sản phẩm chung của chúng tôi được khán giả nhiều thế hệ yêu thích, nằm lòng. Không chỉ âm nhạc, chúng tôi còn rất gắn bó trong cuộc sống.
- Tại sao anh không mời hai mảnh ghép còn lại của tam ca nhạc đỏ trong liveshow "Con đường âm nhạc" được phát trực tiếp trên sóng quốc gia vào 26/12?
- Mọi sự kiện quan trọng của tôi như live concert Mặt trời của tôi kỷ niệm 20 năm ca hát hay chương trình Nghệ sĩ tháng chiếu trên VTV đều có sự tham gia của Trọng Tấn, Việt Hoàn. Lần này, tôi muốn tạo sự mới mẻ nên mời Phạm Thu Hà cho một tiết mục kinh điển.
Phạm Thu Hà được đào tạo bài bản về thính phòng và cũng là học trò của NSND Trung Kiên nên có nhiều điểm chung với tôi. Hơn nữa, Hà còn trẻ và là biểu trưng cho sự nối tiếp thế hệ của dòng nhạc cách mạng, thính phòng. Tôi luôn muốn truyền lửa cho các nghệ sĩ trẻ và mong thể hiện điều đó trong chương trình này.