"Cơn bão" chứng khoán quét qua văn phòng như muốn nhổ bật rễ những thói quen ù ì nhất. Tưởng chừng những người viên chức kém năng động nhất, bàng quan nhất, cũng phải dựng dậy mà cuốn theo cơn bão này.
Người ta nói dân văn phòng chủ yếu vô thần, không thật sự tin vào một đấng tối cao nào. Họ có tin hay theo một tín ngưỡng thì nào cái mục tiêu cầu an hưởng lạc vẫn thắng thế. Tin nghĩa là phải có điều kiện, có mục đích. Họ duy vật, họ biện chứng, họ thuộc thuộc lòng câu "vật chất quyết định ý thức". Có đi xin cửa này phủ nọ cũng là đi theo đàn đúm, giọt dầu đặt lễ mười nghìn nhưng nhất quyết xin về phải bạc tỷ.
Chính vì thế, họ lại có một niềm tin khác. Tin vào chuyện thần tiên thời mới, tin vào vận may. Cuộc sống ít sự thay đổi, nghèo cơ hội và nhạt màu phiêu lưu của đời văn phòng là mảnh đất mầu mỡ để nảy nở những cây tài cây lộc như thế. Ai chả mê phú quý? Theo thời gian, những phương cách làm giàu nhanh chóng, một vốn bốn lời bao giờ cũng là chuyện thần tiên quyến rũ con người.
Không thủ đoạn như con buôn thời truyện cổ "Cái cân thủy ngân" ngày trước, (tôi chỉ nói thời đại dân văn phòng mươi năm gần đây thôi) họ mong trúng số độc đắc. Nhưng mua vé số thì giải đặc biệt chỉ có một. Cơ may ít ỏi không thể thỏa mãn cả triệu người muốn đổi đời. Đánh số đề ăn lô đậm hơn. Cá độ lại càng mầu, vì hơn đánh đề ở chỗ cái kia một ăn bảy mươi thì đây tỷ lệ chấp tha hồ, miễn là có dám chấp hay không.
Khổ nỗi, lô đề với cá độ là bất hợp pháp, là những thứ chính quyền không cho phép mà vợ ở nhà cũng thù ghét như ghét tình địch phá hoại hạnh phúc. Mà phá hoại thật. "Lô đề ra đê mà ở", vợ đay đi đay lại nhưng chuyện sạt nghiệp kiểu "cờ bạc là bác thằng bần". Đâu có phải ai cũng được như các đại gia đi chơi Casino ở Macao hay Campuchia, mỗi đêm nướng vài trăm đô, còn có các em mặc xường xám Thượng Hải hay váy ngắn đến nách tiếp trà Ô long bát bảo.
Đã không sành điệu, sang trọng đến mức ấy thì cũng đừng lem nhem ngồi ghi đề ở mấy cái quán nước nhếch nhác, chỉ có mấy bà già hom hem pha chè chén. Làm gì cũng phải sang trọng tí chút. Thế thì dắt nhau ra quán cà phê bóng đá, vừa mát vừa thanh lịch, lại rất thể thao, tuy có phải thức khuya xem Ngoại hạng Anh hay Champion League nhưng cũng còn hơn, ấy là lý lẽ của các anh trai. Nhưng các chị lại không chấp nhận. Xem bóng đá cả đêm, quên vợ nằm trèo kheo ôm gối như hòn vọng phu, hôm sau mắt chồng lờ đờ như thằng nghiện nhìn mắt vợ sưng húp vì khóc cô đơn cả mùa giải.
Trận đấu siêu kinh điển nào, derby hầm hố nào cũng cứ nhè vào cuối tuần. Mà mùa giải bây giờ kéo dài hơn xưa, danh thủ nào cũng đá nhiều vì tiền chứ chẳng vì màu cờ sắc áo, gặp phải mùa World Cup thì các chị coi như mất chồng, thua ngay trên sân nhà. Một tháng hè ngủ lẻ sau một mùa giải ngủ gối ôm là đủ lý do ra tòa. Mà ra tòa thì các chị mang tiếng không biết giữ chồng. Đau nhất là chồng không chạy theo cô chân dài nào mà lại chạy theo hăm hai thằng đàn ông mặc quần đùi. Thế nên các chị nhất quyết không.
Mê bóng đá hơn ma túy, thuộc chiến thuật của Mourinho trận này Chelsea đấu với Barca hơn thuộc đường điện nhà mình là điều phi lý hết sức. Cá độ, bét ra cũng phải hoành tráng như những đại gia kia. Chứ đếm tiền lẻ như chồng mình, lúc về với vợ thở chẳng ra hơi, mắt trũng sâu, tóc điểm bạc, chân tay lẻo khẻo, những người vợ thương chồng tính đi tính lại vẫn lỗ.
Xét cho cùng, mê bóng đá chỉ là mê một cái gì đó ăn thua. Máu đỏ đen át hẳn tinh thần thể thao. Người vợ khôn ngoan là nên chung sống với điều ấy, cái chính là biết chọn cho anh nhà chỗ thỏa đam mê, như các bà cả ngày xưa có khi chinh thân đi chọn vợ bé cho đức lang quân. Có chọn thì chọn đứa hiền thục ngoan ngoãn, thêm người thêm của về nhà.
Vậy là chứng khoán có mặt như một sự trình diện đẹp đẽ và thời trang. Văn minh mà lại đỡ hại sức khỏe. Mà lại đúng như mong muốn, lành mạnh, dễ kiểm soát, lại có khả năng mang thêm của về nhà. Nhưng dân văn phòng không nhẹ dạ chạy đi mua ngay cổ phiếu. Nghe ngóng đã. Tính toán đã. Thử nghiệm đã. Thế rồi từ đâu chẳng biết, ngày nào cũng có người nói về chứng khoán rót vào lỗ tai. Tuần nào cũng có bạn bè khoe trúng lớn mấy trăm triệu, chỉ sau vài ngày là đổi đời. Thế rồi nóng mặt, con bạn kia chồng nó khi đi Wave Tàu, khi về BMV sáng choang, mình vẫn giấc mơ "Đờ-rim" ậm ạch.
Thế rồi... chẳng đợi các anh, các chị có khi lại hăng hái hơn. Sáng đến văn phòng, thông tin đồng nghiệp ầm ĩ quanh tách cà phê, lục lọi mối quen biết đặt cửa mua cổ phiếu, chiều hóng chỉ số hiện màu xanh chỉ tiền đang lên, tối về chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Thiên đường đâu xa, khi tất cả đều tươi màu xanh chỉ số tăng.
"Cơn bão" chứng khoán quét qua văn phòng như muốn nhổ bật rễ những thói quen ù ì nhất. Tưởng chừng những viên chức kém năng động nhất, bàng quan nhất cũng phải dựng dậy mà cuốn theo cơn bão này. Tâm hồn người viên chức từ nay chẳng còn được bình yên. Đam mê hôm nay mang hơi thở thời đại, phập phồng theo biểu đồ lên xuống của thị giá.
Có gì ghê gớm hơn, có gì làm máu dồn lên mặt nhanh hơn khi sau một đêm thức dậy, mười triệu trở thành một trăm triệu? Mà chỉ cần nhờ vào sự quen biết nếu mua OTC (cổ phiếu lúc chưa lên sàn) hoặc chỉ chờ công ty ấy đắt giá đột xuất? Chứng khoán thật văn minh, thật là công cụ đổi đời, người cày muốn có ruộng phải có cách mạng, chứ dân văn phòng muốn có (nhiều) tiền chỉ cần mua chứng khoán.
Chứng khoán là một cuộc cách mạng không đổ máu như thế, cơm áo là đây, hạnh phúc là đây, chỉ cần đôi bàn tay với tình yêu chứng khoán ngày ngày. Người công chức bỗng thấy mình tự do hẳn nơi ngục tù văn phòng, đồng lương còm cõi của mình giờ không đáng bận tâm khi đặt bên khoản lợi tức thu về sau phiên chứng khoán. Chứng khoán đã làm vị thế người viên chức, vốn cũng đủ trí tuệ phân tích thị trường như ai, được nâng lên hẳn. Anh ta còn quả quyết: tay viên chức nào thờ ơ với chứng khoán chỉ có thể là dở người, hoặc đần độn hết thuốc chữa.
Đến bất kỳ một văn phòng nào cũng có thể cảm thấy "cơn bão" hoành tráng này. Mua gì bán gì là điều đáng quan tâm hơn kế hoạch công ty, và những nội quy vẫn trói buộc hàng ngày giờ lỏng lẻo hẳn ra. Thử len lén nghỉ vài tiếng để đi ra sàn chứng khoán, hay ngồi quán cà phê, không hề hấn gì. Mình chẳng tham ô, tham nhũng, cả cơ quan đều thế, riêng gì mình. Rồi tiến lên, vắng mặt đột xuất là thường.
Không có trào lưu nào lôi cuốn dân văn phòng đồng loạt từ Nam ra Bắc, trẻ không tha già không thương, nam nữ bất luận giới tính như chứng khoán. Cho dù sự bình đẳng cũng chỉ tương đối, cho dù nhiều cảnh báo lơ lửng về một thứ bong bóng dễ vỡ, đây vẫn là nơi người ta nuôi cho mình những cơn mơ tiên. Nó cũng ít nhiều đem lại những quả ngọt, những hạnh phúc cho cuộc sống ít thặng dư của đời viên chức.
Chẳng phải vô cớ mà người ta gọi là "chơi chứng khoán" chứ chẳng phải là "làm" hay "mua chứng khoán" đấy sao? Thú vui ở đấy, trí tuệ cũng là ở đấy, một đam mê lành mạnh và chính thống hơn những thứ rượu chè cờ bạc đề đóm đã bị chỉ trích tơi bời hoa lá ở trên. Có cấm cản thì cũng phải chừa lại cho anh chị viên chức tội nghiệp một khoảnh đất gieo hạt đậu thần của mình chứ. Hạt đậu ấy, hôm nay tuy nhỏ, nhưng cứ liệu đấy, mai nó sẽ mọc thành cây lên tận trời. Lúc ấy thì khối người phải...
"Cơn bão" chứng khoán biến sàn giao dịch thành những sân vận động với những con người vừa là vận động viên vừa là những cổ động viên nhiệt thành. Cảnh tượng ồn ào chẳng kém dân lô đề chờ giờ Xổ số Kiến thiết, lại có cái gì âm âm bí hiểm khi gần như mỗi người đều giấu một phi vụ hời không cho kẻ khác biết. Đi ra sàn chứng khoán là các giác quan hoạt động không ngừng nghỉ, mắt nhìn bảng, tay ghi lia lịa, mồm đặt lệnh thao thao, chân đứng ngồi nhấp nhổm. Những kẻ nhấp nhổm nhất, tạt qua xẹt lại chớp nhoáng chính là cánh dân văn phòng, tranh thủ những phút đập tan gông xiềng bàn giấy để làm vài cú lệnh mong ngày mai mở mặt với đời.
Sự lên ngôi của chứng khoán khiến cà phê bóng đá lâm vào cảnh đìu hiu chợ chiều, chưa bao giờ màn hình 42 inch ở cà phê Bảo Khánh lại buồn đến thế. Đã đi đâu rồi những người tình của nàng tiên túc cầu? Tưởng như đã xảy ra một cuộc đào thoát của những người đàn ông, để những ly cà phê đắng có vẻ ẻo lả hẳn đi. Nhưng điều đó chỉ xảy ra với những quán cà phê trưng biển "cấm chứng khoán", "cơn bão" lại bùng lên theo chân các nhà đầu cơ viên chức về đến các quán cà phê "chứa chấp" chứng khoán.
Cà phê buổi sáng vẫn đông viên chức như thường lệ; buổi trưa những quán cơm văn phòng lại càng đông hơn, vì lúc này mới là lúc bắt được mối mua bán hay nhận kết quả khớp lệnh hoặc chạy đi chạy lại dễ dàng. Cảnh tượng nhao nhao như ong vỡ tổ, hỏi nhau đã được mấy "chấm" (ví dụ 7 chấm là tỷ lệ bằng 7 nhân lên với mệnh giá cổ phiếu khởi điểm), thét vào điện thoại như muốn giết nhau, mua ngay bán vội, như thể ở đời không có gì ý nghĩa hơn hàng chỉ số xanh đỏ.
Chỉ cần có một cú điện thoại liên quan đến chứng khoán là tất cả chạy đi. Thử hỏi cái gì ma mị đến cho bằng cảnh ấy? Là dân văn phòng với nhau, chúng ta chưa chắc đã có nổi một người tình nào quyến rũ đến mức phải băm bổ chạy theo như thế. Hơn cả tình yêu, là chứng khoán.
Giấc mơ tiên là có thật, nhưng ở đời mọi sự chẳng đơn giản. Trong cơn say đắm, bất trắc đã ngấm ngầm. Mà có cái gì là vĩnh cửu đâu, huống hồ đây là thứ rất điển hình cho thị trường, tức đồng tiền, mà lại là đồng tiền đang trôi nổi. Có người lên, ắt có người xuống. Nếu ai cũng biến không thành có thì trăm nghìn vạn mớ ấy rơi từ trên trời xuống chắc? Thế là chưa kịp tỉnh giấc mơ tiên, giá cổ phiếu đã rớt thê thảm. Bỗng dưng người viên chức thấy con đường đến cõi tiên của mình hư vô như đường lên Thiên Thai của Lưu Nguyễn.
Đại lộ chứng khoán thênh thang hôm qua, nay thoắt hẹp lại thành ngõ nhỏ lầy lội. Người ta vỡ mộng, người ta thất vọng, rồi người ta lại nháo nhào lên bán tống bán tháo thu tiền về khi còn chưa muộn. Những người cho bạn vay với niềm tin bạn trả lãi đúng hẹn, giờ nhìn bạn như những kẻ thất bại tội nghiệp. Nhưng xuống vậy thôi, người ta vẫn kiên gan với vận may. Hình như hôm nay giá lại lên rồi? Mái rạ văn phòng lại biếc. Cuộc đời là thế, miền cực lạc hay chuyện thần tiên đều xuất phát từ cuộc đời. Mà đời không có những chuyện đó, chắc chỉ u buồn như kiếp văn phòng trước khi "người tình" chứng khoán đến.
Maika - Việt Kiều Đức Doanh nghiệp tư nhân
"Tôi về nước chưa được bao lâu sau nhiều năm sinh sống tại châu Âu. Tôi cũng có tham gia chứng khoán nơi tôi sống. Lần này về Việt Nam đầu tư kinh doanh. Dĩ nhiên, tôi phải tham khảo qua thị trường chứng khoán. Thú thật, tôi hơi ngạc nhiên với sự sôi động quá mức tại các sàn.
Qua bạn bè cũng là ngoại kiều và từ những quan sát của bản thân thì tôi thực sự chưa hiểu về những nhà đầu tư tại Việt Nam. Đa số họ là những người giàu có ở ngoại thành, những công chức có nhiều tiền nhàn rỗi không biết dùng để làm gì, gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất quá thấp. Mà nghe đồn thổi chứng khoán lãi ngất ngưởng và chưa ai bị thua nên vội vã lao vào ngay. Đôi khi tôi cũng hơi buồn cười vì nhiều người thậm chí còn không biết theo dõi thông tin hoặc tìm hiểu trên mạng như thế nào nữa.
Thật ra, so với mặt bằng chung, thì Việt Nam là một nơi khá hấp dẫn cho các nhà đầu tư bởi mức độ ổn định của thị trường chứng khoán. Trên các nước, sự "thăng trầm" của cổ phiếu gần như là từng phút một. Thậm chí, khi vào nhà tắm, bạn cũng phải cầm theo điện thoại liên lạc để chắc chắn rằng bạn không bị lỡ thông tin. Ở Việt Nam thì đỡ hơn, tình hình dao động tính theo ngày chứ không đến nỗi hàng giờ, hàng phút.
Nhưng, tôi là một nhà đầu tư thì tôi sẽ cân nhắc rất cẩn thận. Bởi chơi chứng khoán thì cũng giống như kinh doanh các mặt hàng, phải có những chiến lược cụ thể hẳn hoi. Tôi không thể "nhào" vô, đặt tiền vào các công ty "to to" mà tôi không hề biết họ kinh doanh thế nào, thực chất ra sao. Tương lai gần, tôi sẽ tham gia chứng khoán, tham gia một cách nghiêm túc. Có đầu tư, có thu lợi nhuận, dù xác suất rủi ro cũng có thể rất cao. Nhưng kinh doanh là vậy, và một khi chấp nhận kinh doanh, ta cũng phải chấp nhận luôn cả sự rủi ro trong đó.
Hoàng Thụy - Nhiếp ảnh gia
Tôi đoán tiền lời chỉ là tiền giấy, có nghĩa là tiền trên giấy tờ, trên thực tế, thấy người giàu nhất cũng đang ôm một đống giấy chứ cũng đã bán cho ai đâu. Tôi vốn là người lao động chân chất, không tin lắm vào những món tiền lời giàu sụ gấp mấy chục lần dễ như trở bàn tay như vậy. Thấy nhiều người bạn của tôi, suốt ngày ngồi tính tính toán toán. Thị trường cứ lên lên xuống xuống từng phút một, phút trước phút sau là thấy khác rồi, người đặt lệnh này người kia lệnh nọ thấy cuối cùng mấy người môi giới kiếm chác nhiều nhất.
Tôi đang là người quan sát nên càng quan sát, càng thấy hỗn loạn quá. Tôi thấy người Việt Nam mình chơi bằng cảm tính nhiều quá. Cứ nghe tên công ty bự bự là đặt tiền vào. Rồi thế chấp giấy tờ nhà vì nghĩ tiền lời gấp nhiều lần sẽ dư sức trả cả vốn lẫn lãi. Tôi không nghĩ ở đời có gì dễ dàng mà đạt được thành quả cao. Nên hiện tại tôi vẫn còn đang nghiên cứu, xem xét. Có thể tôi sẽ tham gia đến khi thấy thuận lợi và được sự tư vấn đầy đủ từ các nguồn xung quanh.
Phi Nhu - Văn phòng đại diện Nokia
Trước đây tôi đã từng tham gia qua chứng khoán, dĩ nhiên chỉ ở mức độ nghiệp dư. Nhưng cũng có lãi. Vì tôi có nhiều mối quan hệ thân thiết, có những thông tin tư vấn tin cậy để mình chơi. Bây giờ muốn chơi lại thì phải xây dựng một mạng lưới tư vấn cụ thể chứ không phải tùy tiện muốn chơi là chơi, thấy công ty nào tên tuổi oách là nhảy vào đầu tư vô tội vạ.
Tôi không cho rằng ngành này đơn giản như nhiều người nghĩ. Bỏ ra 1 lời 10. Làm gì cũng phải bỏ thời gian nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng. Mà hiện tại, tôi không có thời gian để nghiên cứu xem xét cẩn trọng. Là người có kiến thức về tài chính, tôi rất hiểu muốn đầu tư hiệu quả thì phải làm sao. Không thể đoán vu vơ, chơi vu vơ rồi lãi giống như ăn may được. Khá nhiều người quanh tôi lao vào đầu tư quên ăn quên ngủ. Ngày nào cũng hồ hởi lên sàn, sáng trưa chiều tối đầu óc căng thẳng, điện thoại tứ tung. Tôi không nghĩ mình có thời gian rảnh rỗi đến vậy nên chỉ nghiên cứu chứng khoán ở mức độ bình thường như mọi người.
Cũng có xem qua, cập nhập tình hình hằng ngày thông qua nhiều kênh, Internet, người quen, báo chí... nhưng như thế chưa đủ để tiếp tục tham gia trở lại. Dù xung quanh tôi, ai ai cũng kháo nhau: "Ông A có 100 triệu vốn, bữa nay lời thành nửa tỷ rồi; Hoặc: Chị B mới chơi tuần trước, bữa nay đã lời gấp đôi...". May mắn tôi không phải là người a dua theo sự đồn thổi. Nhưng cũng có thể là không may, bởi nhiều người bạn tôi bỏ việc làm thành nhà đầu tư rất thành công. Thấy họ trong vòng 1 tháng mà kiếm tiền nhiều bằng mình làm việc quần quật cả năm trời nhiều khi mình cũng phân tâm. Tuy vậy, hiện tại, tôi đang rất yêu công việc mình đang có và chưa nghĩ gì đến chuyện tham gia chứng khoán.
(Theo Đẹp)