Vài năm gần đây những restaurant với các bảng hiệu đượm hồn dân tộc như Hương quê, Chốn xưa, Hương cau, Nhà sàn, Chợ quê...mọc lên như nấm sau mưa. Nhưng nếu cứ tưởng vào những chốn đó để được hưởng một chuyến đi ngược thời gian trở về với cội nguồn của mình thì có lẽ rất cần phải xem xét.
Những nhà hàng hoa ban, hoa sim với thức ăn đổ ra lá chuối để thêm phần...dân tộc |
Theo Đẹp, ai đó từng vào những nhà hàng được mang tên "nhà quê" hẳn phải khâm phục cách bài trí của chủ nhân. Hầu như tất cả các loại vật liệu xây dựng có "tí quê" đều được tận dụng bố trí đó đây để có một nội thất... thật quê. Một dãy các lán chợ lợp mái lá với những hàng chõng tre cùng các bóng thôn nữ ngày nào thướt tha áo nâu, yếm trắng. Sóng với các thôn nữ là các... thôn nam với nguyên cả bộ quần áo nâu, trông cứ như vừa bước lên từ ruộng cày để tràn vào hàng quán vậy. Nhưng chất quê dường như chỉ có thế, tôi đã từng một lần vì tò mò mà lĩnh đủ khi bước chân vào một cửa hàng như vậy. Dáng vẻ phục phịch, sợi dây chuyền không ít hơn nửa cây vàng, chiếc đồng hồ Omega lấp lánh và chiếc nhẫn mặt đá to bự trên bàn tay chuối mắn của ông chủ khiến thực khách phát hoảng liên tưởng đến dáng vẻ của mấy tay anh chị nơi bến xe, bến tầu.
Đến màn thức ăn thì thôi rồi, bánh cuốn Thanh Trì vốn nổi tiếng là như thế đã bị những bàn tay của mấy cô thôn nữ với những móng tay sơn đỏ chót biến thành món mà các cụ vẫn gọi là "cánh cửa chấm nước vối... pha đường"; Bún riêu đã nhạt lại đượm mùi tanh sộc lên mũi, nem cuốn thì thà ra siêu thị mua nem cuộn sẵn của mấy công ty chế biến thực phẩm còn ngon gấp mấy lần, rau sống thì thôi, tuyệt không dám bàn đến nữa. Tóm lại là nếu món ăn quê mà thế này thì thà ăn kiểu thành thị còn hơn.
Lại có bận, tôi mạnh dạn quảng cáo với mấy anh bạn từ Sài Gòn ra chơi về món "cực kỳ Bắc bộ" bao gồm cơm niêu, canh rau tập tàng, cà muối, cá rô rán giòn. Ngay từ màn đập niêu đất của hàng cơm niêu đã thực sự khai vị cho một bận thất vọng tràn trề. Hai gã phục vụ trình diễn màn tung hứng niêu cơm qua bàn ăn, sau một khoát tay để hua cái niêu cơm lên, mấy vị khách hãi quá giạt ra tứ phía để tránh, một tiếng "bộp" khô khốc vang lên, mảnh niêu vung ra toé loe để lộ cái phần thực khách sẽ ...xơi. Khi ăn vào mới hay rằng cơm được nấu bằng nồi cơm điện, sau đó xới ra cho vào niêu đất, đốt lên cho cháy vòng quanh để cho giống cái được gọi là cơm niêu. Sau cơn vã mồ hôi lạnh, mấy ông khách Sài Gòn tấm tắc khen quán ăn trình diễn mô típ mồ hơi lạnh thực là sành điệu!
Khi đã nếm trải đủ ngần ấy thứ khốn khổ, màn cuối cùng là thanh toán thì, than ôi, có đến địa chủ cũng không dám vác mặt vào cái chốn được mạo danh là nhà quê ấy!
Rời "chốn quê" để lên với miền núi rừng Tây Bắc, thôi thì không có hương quê của vùng đồng bằng Bắc bộ thì cố tìm cảm giác ở mấy nhà hàng kiểu hoa ban hoa sim gì đó. Và sự thất vọng là cảm giác còn đọng lại ở mỗi thực khách khi họ ra về. Với một nhà sàn rước về cùng mấy thứ cồng chiêng, pheng la treo trên vách, cùng vài cái đầu thú rừng với dàn phục vụ mặc đồ dân tộc là...đã có bản sắc dân tộc rồi. Mấy em "sơn nữ" chỉ giống ở mỗi bộ trang phục dân tộc họ bận trên mình, không biết hát múa đã đành, bước đi uyển chuyển đặc trưng của người con gái dân tộc còn bị thay bằng những bước dội chân băm bổ trên những đôi giày cao gót. Mỗi bận khách yêu cầu, các em lại nhoẻn cười "ok". Khi khách đến và ra về thay vì cúi chào các em lại toe toét "hê-lô anh" hoặc "si-diu-ơ-gên".
Thôi thì dân ta với nhau thì cũng chẳng cần nhiều lắm, thích thì đến, không ưa thì thôi, nhưng những quán ăn tự cho mình là có bản sắc dân tộc ấy lại toạ lạc ở những khu du lịch trọng điểm mà lỡ trình diễn với người nước ngoài, không biết họ có cho rằng bản sắc dân tộc mà các ông chủ quán đang cố dựng lại (để bảo vệ!?) ấy có kỳ quái quá không nhỉ?