![]() |
Người dân bất ngờ với quyết định tăng giá xăng dầu. Ảnh: Lan Anh |
Chị Huyền cho biết: "Tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết xăng tăng giá và tăng những 1.000 đồng/lít. Như vậy, mỗi tháng tôi sẽ phải chi thêm 20.000-30.000 đồng. Gia đình tôi có 3 xe máy, mỗi tháng sẽ phải chi thêm gần 100.000 đồng". Theo chị Huyền, chi thêm vài chục nghìn đồng một tháng để phục vụ việc đi lại không phải là chuyện lớn. Tuy nhiên, hàng loạt mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc, xăng tăng giá trong khi đồng lương không tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.
Chị Minh Thuận, nhân viên bưu điện TP HCM cũng cho rằng việc tăng giá xăng dầu tại thời điểm này là chưa hợp lý. "Đầu tháng 7, giá nước tăng, giá thực phẩm thì tăng gần gấp đôi từ đầu năm, nhất là sau dịch cúm gia cầm. Bây giờ giá xăng lại tăng, tiền lương không thay đổi, như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống".
Tần ngần dắt chiếc Wave tàu khỏi cây xăng trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, anh Vinh lái xe ôm khá buồn bã. Từ ngày mai, cuộc sống của anh sẽ gặp khó khăn hơn. Anh Vinh tâm sự: "Tôi nghe báo đài được biết nhà nước đang phải bù lỗ cho ngành xăng dầu. Tôi nghĩ việc tăng giá cũng hợp lý nhưng tăng 1.000 đồng/lít thì hơi nhiều. Mỗi ngày tôi thường đổ 3-4 lít xăng, Mỗi tháng tôi sẽ phải mất thêm gần 200.000 đồng".
Nhưng lo lắng nhất vẫn là các doanh nghiệp vận tải. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc công ty dịch vụ vận tải Nam-Trung- Bắc cho rằng, việc tăng giá xăng dầu quá bất ngờ đối với các doanh nghiệp hoạt động vận tải. Chắc chắn sẽ gây xáo động nhiều về mức phí vận tải, đặc biệt là vận tải đường dài. "Công ty sẽ họp bàn để điều chỉnh mức phí đối với khách hàng sao cho hợp lý. Vấn đề khó khăn nhất là ở những hợp đồng đã ký từ trước đối với khách hàng bởi khó thuyết phục họ chịu mức phí vận tải mới cao hơn hợp đồng đã ký".
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thanh phố Hà Nội Phạm Bá Dục, bắt đầu từ chiều nay cán bộ quản lý thị trường đã có mặt ở tất cả các trạm xăng trên địa bàn thành phố để giám sát việc nhập và xuất hàng. "Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm tất cả các trường hợp cố tình bán quá giá quy định hoặc đầu cơ hàng để ăn chênh lệch", ông Dục nói.
Theo ghi nhận của VnExpress, các trạm xăng tại Hà Nội và TP HCM đều hoạt động bình thường trong thời gian trước và sau 19h tối nay. Không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng để ăn chênh lệch. Tại TP HCM, sau khi biết tin tăng giá xăng, một số điểm bán lẻ vỉa hè đã nhanh chóng đẩy giá lên 7.500 đồng/lít, loại xăng 92. Một số điểm bán xăng vỉa hè đã lợi dụng các thời điểm thông tin chưa rõ ràng để "bắt chẹt" khách hàng. Tại khu vực trung tâm như quận 1, giá xăng đã được các chủ quán "đội" lên 8.000 -10.000 đồng/lít.