“Tăng giá là đẩy gánh nặng cho người dân. Như thế ngành điện sẽ có thêm vốn đầu tư nhưng cái giá này hơi đắt”, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Đỗ Gia Phan đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề. Thay mặt cho người tiêu dùng, ông Phan đề nghị chọn “phương án 5” là lùi thời điểm tăng giá điện sang năm 2007 để “người dân không bị sốc”.
Theo phân tích của hiệp hội, người tiêu dùng vừa trải qua một đợt tăng giá chóng mặt của hàng hóa hồi năm ngoái, thêm một đợt tăng giá vào lúc này sẽ là gánh nặng. Ông Phan cho rằng trong cơ chế thị trường không thể dùng biện pháp tăng giá để tăng vốn đầu tư, trừ ngành độc quyền. Hơn nữa, giá trị thu được từ tăng giá điện trong cả 5 năm (2006-2010) ước tính đạt gần 15.000 tỷ đồng, “không ý nghĩa gì” so với con số 350.000 tỷ đồng cần huy động cho các công trình điện trong giai đoạn này.
Đại diện Tổng LĐLĐ VN, bà Nguyễn Thị Dung, Ban Chính sách kinh tế, cũng phản đối tăng giá và cho rằng ngành điện mới tính cho mình chứ chưa xem xét đến sức chịu đựng của người tiêu dùng khi điện tăng giá.
“Ngành điện rất cần vốn đầu tư nhưng thêm 15.000 tỷ đồng mà phải ồn ào tăng giá thì có nên không? Cần tính đến biện pháp bán thêm cổ phần các nhà máy điện, giảm chi phí đầu vào, giảm tổn thất điện năng và tinh gọn bộ máy quản lý”, bà Dung nói. Theo bà Dung, điện sinh hoạt chỉ nên tăng tối đa 18%, nếu tăng 35% như đề nghị là không thể chấp nhận được.
Vẫn bảo vệ quan điểm “tăng giá còn hơn thiếu điện”, bà Châu Huệ Cẩm, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và là tổ trưởng tổ công tác giá điện, cho biết không thể lùi thời hạn tăng giá vì như thế sẽ xảy ra thiếu điện trầm trọng. Theo đánh giá của Bộ Công nghiệp, thiếu điện sẽ gây thiệt hại 3-3,5 triệu USD/ngày.
Quan trọng hơn, bài học của Trung Quốc cho thấy nhà đầu tư sẽ chuyển địa điểm sang khu vực khác nếu xảy ra thiếu điện. Sau khi đã áp dụng toàn bộ các giải pháp thu xếp vốn, hiện Tổng Công ty Điện lực VN (EVN) vẫn còn thiếu 16.000 tỷ đồng, khoản tiền chênh lệch từ tăng giá sẽ bù đắp cho phần thiếu hụt này.
Với lộ trình tăng giá theo 3 bước, trong đó điện sản xuất tăng trung bình 4%, điện sinh hoạt tăng trung bình 17-20%, Tổ công tác cho rằng tăng giá điện sẽ không tác động mạnh đến kinh tế xã hội. Giá thành sản phẩm công nghiệp chỉ tăng dưới 1%.
"Tăng giá điện 33% là quá cao", đại diện Tổng liên đoàn Lao động VN Nguyễn Thị Dung đã đưa ra nhận xét này tại cuộc họp thảo luận về các phương án tăng giá điện, vừa được Bộ Công nghiệp tổ chức hôm qua tại Hà Nội.
Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đỗ Gia Phan cho rằng: "Phải suy nghĩ về việc điều chỉnh giá điện là chưa đáp ứng yêu cầu của số đông khi có tới 80% người tham gia góp ý trên một số trang báo điện tử không ủng hộ tăng giá điện. Nếu tăng giá điện để có vốn đầu tư cho ngành điện mà tăng chi phí cho các ngành khác, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế thì đó chính là biểu hiện của độc quyền". Bà Nguyễn Thị Dung thì cho rằng, ngành điện mới chỉ nghĩ và tính cho mình chứ chưa tính đến những tác động lớn đối với người dân. |
(Theo Người Lao Động, Tuổi Trẻ)