
Người dân đặt bẫy bắt cá sấu ở Ralayo, Kenya hôm 7/5. Ảnh: Isaiah Gwengi
Bé trai bị cá sấu vồ khi đang ra hồ Victoria ở Ralayo, hạt Siaya lấy nước cùng mẹ tuần trước. Chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, bà mẹ vừa bất lực vừa đau đớn. Đồng thời, cư dân xung quanh khu vực cũng bàng hoàng khi nghe tin.
Vài ngày sau, tới 7/5, người thân và hàng xóm cậu bé xấu số lên đường vây bắt con cá sấu thủ phạm. Họ làm một chiếc bẫy, đặt mồi vào trong, nhử cá sấu mò lên.
Một người dân địa phương, anh Alex Otieno, cho biết con cá sấu có thể đã đi lạc vào vùng này. Ở các vùng lân cận cũng đang xảy ra các vụ cá sấu tấn công người. Theo truyền thông Kenya, nguyên nhân được cho là nơi cư trú của loài bò sát bị người dân địa phương gây ảnh hưởng, khiến chúng phải "tha phương" đi tìm mồi.

Con cá sấu dài 5,2 m khi bị bắt lên bờ. Ảnh: Isaiah Gwengi
Hồi tháng 8/2020, một con cá sấu đã tấn công một phụ nữ 32 tuổi tại chính Ralayo. Paul Omondi, một ngư dân của Ralayo cho biết vào thời điểm đó rằng họ đã đặt bẫy tương tự để bắt con vật. Paul nói: "Chúng tôi gắn thịt vào một cái móc. Khi con cá sấu đớp mồi, nó bị tóm gọn luôn".
Tuy nhiên, việc người dân địa phương tự ra tay hành động đang nhận được sự cảnh cáo từ chính quyền. Cơ quan Động vật Hoang dã Kenya (KWS) tuyên bố bất kỳ ai bắt động vật hoang dã do xung đột đều nên báo cáo với họ trước.
Theo Meshack Okuku, trưởng đơn vị quản lý bãi biển hạt Siaya, số vụ hà mã và cá sấu tấn công người trong khu vực đang gia tăng. Một số nơi được báo cáo là có nhiều trường hợp bị hà mã và cá sấu tấn công như Rabolo, Anyanga, Nyenye-Misori, Ralayo và Kamito.
Tùng Anh (Theo Daily Star)