Maybach - xe sang trọng bậc nhất không chỉ ở Việt Nam. |
Cũng như dân chơi xe ở bất kỳ đâu hay dân chơi bất kỳ món đồ nào khác, "độc" là tiêu chí được xếp lên hàng đầu. Có nghĩa là chiếc xe bạn đi phải không giống với xe của những người khác. Hai năm trước, cơn sốt xe Mercedes S-class lên đến cao trào khi lô xe 78 chiếc xe nhập về phục vụ hội nghị ASEM, bao gồm xe S500 và S600 đã được đặt mua hết ngay khi đem ra bán. Tiếp đến, sự chú ý chuyển sang BMW serie 7. Nhưng giờ đây, ngay cả chiếc xe đang có giá bán 140.000 USD (nhập khẩu nguyên chiếc) này cũng không còn thu hút được nhiều sự quan tâm.
Với quan điểm xe phải độc, tại Hà Nội đã xuất hiện một chiếc A8, xét về thương hiệu và thứ hạng, được đánh giá tương đương với S-class hay serie 7. Điều đó cũng hiển nhiên như việc sau khi đã chứng kiến Mercedes SLK chạy trên đường thì người sau đó phải chuyển sang sử dụng BMW 645 Ci, cũng là xe mui xếp nhưng có đẳng cấp nhỉnh hơn.
Chiếc Aston Martin Vanquish tại Việt Nam. |
Đầu tháng 8 vừa qua, giữa lúc thị trường còn đang mải mê tranh cãi quanh chuyện nhập khẩu xe cũ thì giới chơi xe "rúng động" với tin Aston Martin Vanquish xuất hiện tại Hà Nội. Chiếc xe này giá ở nước ngoài không dưới 230.000 USD. Nếu cộng thêm 90% thuế nhập khẩu xe mới, 50% thuế TTĐB và 10% VAT thì giá xe khi về đến Việt Nam là 721.000 USD, tương đương với gần 12 tỷ đồng. Ngay sau đó, dân chơi thủ đô tiếp tục xôn xao về một chiếc Flying Spur của Bentley, một hiệu xe sang trọng khác từ nước Anh. Theo giá bán của nhà sản xuất đăng trên mạng Yahoo, chiếc xe 4 cửa này tương đương 164.990 USD.
Căn cứ vào tầm cỡ của thương hiệu và giá thành, vị trí số một của Aston Martin Vanquish không tồn tại được lâu. Danh hiệu xe sang trọng số một Việt Nam lúc này chắc chắn thuộc về mẫu Maybach 62 vừa được showroom Hoàng Trọng tại Sài Gòn nhập khẩu. Theo Yahoo, Maybach 62 đời 2006 có giá niêm yết 385.250 USD.
Bentley Flying Spur trên đường phố Hà Nội. |
Trong giới chơi xe ở nước ngoài tồn tại một nghịch lý: Xe có công suất càng lớn, thường người ta lại càng đi chậm, đơn giản là để khoe xe. Còn ở Việt Nam, xe càng đắt tiền thì chủ nhân càng không thích lộ diện. Điểm chung giữa những siêu xe nhập về Việt Nam là hầu như không biết ai là chủ nhân thực sự của chúng. Việc tiếp cận với những chiếc xe này hết sức khó khăn, thông tin về chủ xe cũng như giá cả hoàn toàn nằm trong vòng bí mật.
Dân chơi xe tại Việt Nam cũng tỏ ra dị ứng với các hiệu xe thể thao lừng danh như Ferrari hay Lamborghini vì chúng đắt tương đương những chiếc sedan sang trọng nhất, trong khi tính năng sử dụng lại thua xa. Thêm nữa, do có gầm rất thấp nên việc sử dụng xe thể thao với điều kiện đường xá trong nước quả là nhiệm vụ bất khả thi. Hiếm hoi lắm mới thấy có một tay chịu chơi mang về một chiếc Chevrolet C6 màu đỏ chót.
(Theo VnExpress)