Nhà văn Trần Thị Trường.
- Đàn ông chơi cây là bình thường, nhưng với một nữ văn sĩ như chị liệu có là hiếm?
- Có thể là như thế. Văn nghệ sĩ cần có cảm xúc tràn đầy thì mới sáng tạo được. Nguồn cảm xúc như thế sinh ra từ thiên nhiên, trong các chuyến du lịch, dã ngoại, lên rừng xuống biển, và như thế có lúc phải mang cả rừng lẫn biển về nhà.
- Chị "nghiện" thú chơi đã lâu?
- Tôi đam mê nó từ lâu rồi, khi chúng tôi còn rất nghèo, tiền tích cóp mua cây đủ để mua nhà, khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, cả đại gia đình tôi chen vai sát cánh trong ngôi nhà trên đường Tây Sơn (Hà Nội) thì đã có một vườn cây nho nhỏ. Thời gian sau, do điều kiện gia đình và bởi chơi cây cần có không gian thoáng nên chúng tôi đã chuyển đến sống tại ngôi nhà hiện nay, gần nhà thờ Phùng Khoang. Nhà chưa xây mà đã lặn lội tìm cây để có một không gian như bây giờ.
- Chị tìm tiếng nói chung với ai về thú chơi này?
- Đó là chồng tôi, hoạ sĩ Nguyễn Hưng Việt, ông ấy cũng cần không gian thoáng gợi cảm hứng cho bút vẽ. Ông ấy kiêm luôn hoạ sĩ sắp đặt cho ngôi nhà của mình. Bây giờ có điều kiện, chúng tôi mới có dịp thể hiện đam mê ấy. Kiến thiết một không gian thiên nhiên cho chính gia đình mình.
- Quan điểm chơi cây Á-Âu có gì khác biệt?
- Tôi đã có thời gian công tác khá lâu ở Bulgary và đi du lịch một số nước như Italy, Nga, Mỹ. Tôi thấy họ chơi với không gian kinh khủng lắm. Họ không bao giờ áp đặt, biến cây thành sản phẩm "á tự nhiên", một sản phẩm tự nhiên mang đậm dấu ấn con người. Họ nể nghệ thuật bonsai của phương Đông nhưng không chọn chúng vì chúng quá cầu kỳ và rất "á tự nhiên". Chúng ta thấy đấy, phụ nữ phương Đông cố nịt ngực cho chặt còn phụ nữ phương Tây hầu như không mặc áo lót.
- "Sự cố đam mê" đáng nhớ nhất của chị?
- Năm 1994, tôi với nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Nguyễn Hà và nhà văn Nguyễn Lộc cùng mở sân đào tại Quốc Tử Giám. Nguyễn Hà săn được 300 cây đào thế rất đẹp còn ba chúng tôi chịu trách nhiệm khâu bố trí và đặt tên cho cây. Trên mỗi cây đều có những câu thơ cổ do Nguyễn Hà chép. Chúng tôi cũng bán được một số cây, có thể do bài thơ, có thể do cây đẹp, hay nhờ không khí ngày Tết. Đến 28 Tết, tôi phải thuê ôtô chở đào về nhà vì ba người hùng vốn có "không gian tổ ấm" quá bé, một cây là đủ. Bài học kinh doanh quá đắt, phải trả tới 1.000 USD.
- Chị yêu loài hoa nào nhất?
- Nhiều người thích trà my nhưng tôi thấy nó "hữu sắc vô hương". Tôi yêu hoa mai, nó thanh cao, gắn với bao cái mơ màng khác, bao tứ thơ văn nổi tiếng. Hoa mai vàng của của miền Nam mang một nét gì đó của thú chơi công nghiệp, không tao nhã như các cụ ta ngày xưa.
- Cảm nhận của chị về thú chơi cây ngày nay?
- Bây giờ người người hối hả, nhà nhà hối hả. Họ không còn nhiều thời gian nhâm nhi chén trà, ngắm hoa nở nữa. Những dịch vụ cho thuê sinh vật cảnh chơi mấy ngày Tết cũng thế ăn nên làm ra. Người thuê mang cây về nhà thưởng thức ít ngày, có thời gian âm thầm đối thoại với nó. Tết hết, hoa lại trở về chốn xưa, nhưng đó chỉ là thú chơi nhất thời thôi. Mỗi khi đi làm về, nhìn cây cảnh bán dọc đường, tôi chợt nghĩ: "Chúng giống như những đứa trẻ mới sinh ra, chưa được dạy bảo đến nơi đến chốn".
Hoạ sĩ Nguyễn Hưng Việt - chồng nhà văn Trần Thị Trường.
- Trước khi có dịch cúm gia cầm, nhà chị chỉ nuôi hai loại chim?- Ông chồng thích chim khuyên, vì theo người Trung Quốc, nó được ví như tiểu hoạ mi, tiếng hót thú không hề kém hoạ mi, âm vực vừa phải, hợp với không gian trong nhà còn hoạ mi đòi hỏi không gian thoáng.
Riêng tôi, tôi thích chim gáy, nó là tiếng gọi nơi thôn dã, nhưng nhiều người cho nó là kẻ bạc tình. Nuôi nhiều năm rồi mà cứ được dịp sổ lồng là bay đi mất. Chim trong lồng cũng giống như nhà văn công chức ấy. Rất yêu thích cuộc sống tự do bên ngoài nhưng tự do đó là phải chống trả với gió bão và phải đủ sức vượt qua ngưỡng ấy.
Khi thoát ra ngoài, gặp gió bão thì chao đảo, nuối tiếc cuộc sống trước kia, được ăn ngon ngủ yên. Và những con chim ấy chấp nhận quay lại nơi mà nó muốn thoát ra, chấp nhận sống chim lồng cá chậu. Không ít nhà văn đã lấy chim làm đề tài viết rồi đấy. Nói tóm lại, anh yêu thiên nhiên anh phải hiểu về nó, thế mới biết tại sao kênh truyền hình Discovery lại có thể giới thiệu những bộ phim khoa học về thế giới tự nhiên hoành tráng đến thế.
(Theo Kinh Doanh & Sản Phẩm)