Cổ phiếu ngân hàng XNK Việt Nam (EXB) cuối tuần trước được các tổ chức mua vào với giá 70, cứu cổ phiếu thuộc dạng đầu bảng trong nhóm cổ phiếu hot trên thị trường OTC trước đây ra khỏi mức giá 68. Ở mức giá 70 và 70,5, có nhà đầu tư hỏi mua vào tới một tỷ đồng mệnh giá.
Một số giao dịch 500 triệu đồng mệnh giá đã thành công. Thứ hai tuần này, cổ phiếu EXB được giao dịch với giá 71,8 và lên đến 78 theo báo giá của dân môi giới chuyên nghiệp. Giá một vài cổ phiếu ngân hàng khác như Phương Nam, Phương Đông cũng tăng thêm vài giá sau khi xuống dưới giá 40. Ngoài một vài trường hợp cổ phiếu trên, tâm lý chung của nhà đầu tư trên thị trường là hết sức cẩn trọng với cổ phiếu OTC.
Điều này thể hiện ở quan điểm "rẻ cũng không mua". Đặc biệt, một số cổ phiếu đang được chào bán thấp hơn giá doanh nghiệp bán cho cổ đông chiến lược. Một nhà đầu tư lớn đã từ chối mua EXB giá 72 với lý do "rẻ thì mua chơi", trong khi vài tháng trước, ngân hàng này bán cho đối tác chiến lược với giá 90. Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai bán cho Sacombank giá 100, đang được rao bán giá 85 cũng rất ít giao dịch.
Nếu như cách đây 1-2 tháng, vài cổ phiếu doanh nghiệp ngành bất động sản vẫn còn được giao dịch, thì tới nay, cổ phiếu bất động sản cũng rơi vào tình trạng gần như đóng băng.
Theo anh D., nhà đầu tư lớn ở sàn chứng khoán Đại Việt, những nhà đầu tư chuyên nghiệp không mua vào thời điểm giá chứng khoán đi ngang, mà nên mua vào thời điểm giá bắt đầu nhích lên (khi đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn nhiều). Đây là sự khác biệt giữa nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư thông thường.
Quan điểm "rẻ cũng không mua" còn thể hiện khi nhà đầu tư từ chối mua cổ phiếu mới phát hành của các doanh nghiệp giá "đầu hai", "đầu ba", mức giá mà trước kia được xem là ưu đãi và phải thân quen lắm mới có được suất mua.
Nguyên nhân là trong lúc thị trường đang khan hiếm tiền mặt, lợi nhuận từ mua rẻ cổ phiếu cũng không bằng nguy cơ "chôn vốn" vào cổ phiếu trong thời gian dài. Hơn nữa, một lý do khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn sợ sa lầy vào thị trường OTC là do tính thanh khoản của cổ phiếu kém và phụ thuộc lớn vào dân môi giới.
Khi thị trường sốt, những nhà đầu tư nhỏ lẻ không bao giờ mua hay bán cổ phiếu ở mức giá thị trường, mà thường phải bán rẻ, mua đắt ít nhất nửa giá thông qua môi giới. Vì vậy, thị trường OTC không thích hợp cho nhà đầu tư vốn "mỏng", trừ khi nhà đầu tư đó xác định nắm giữ cổ phiếu lâu dài cho đến khi doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu lên sàn.
"Sa lầy" vào cổ phiếu OTC không phải là nguy cơ mà là bài học. Hầu hết nhà đầu tư dù ít dù nhiều đều gửi một ít vốn ở thị trường cổ phiếu tự do. Nhiều nhà đầu tư trót mua cổ phiếu OTC ở thời kỳ giá đỉnh điểm, muốn cắt cũng không thể cắt lỗ, đành chấp nhận chờ đến khi cổ phiếu niêm yết, với niềm an ủi "chưa bán, chưa lỗ".
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)