Liu Zhongtian là người sáng lập, cựu chủ tịch của nhà phát triển và sản xuất nhôm công nghiệp hàng đầu thế giới Zhongwang Holdings. Năm 2015, tỷ phú này sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 4,3 tỷ USD và xếp hạng 690 trong sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, giàu thứ 53 Trung Quốc. Trong khi đó, theo cập nhật mới nhất từ Forbes, gia đình tỷ phú này hiện đứng thứ 1.517 thế giới về độ giàu có, với khối tài sản còn 1,8 tỷ USD.
Trong số những tài sản giá trị của Liu Zhongtian, kho nhôm được định giá khoảng 5 tỷ USD bị niêm phong tại Việt Nam nhiều năm nay là tài sản đáng giá và được cả thế giới nhòm ngó trong bối cảnh thiếu nguyên liệu toàn cầu. Tuy nhiên, đó cũng chính là khối tài sản có liên quan đến vụ điều tra chống bán phá giá nhôm do Mỹ khởi xướng và khiến ông vua nhôm này gặp nhiều vấn đề về pháp lý.
Khởi nghiệp sớm
Zhongtian là một trong những doanh nhân nhanh nhạy nắm lấy cơ hội khởi nghiệp khi trung Quốc bắt đầu cải cách. Theo Successstory, năm 14 tuổi, tỷ phú này bắt đầu sản xuất và bán sơn chống cháy cho các nhà máy tại địa phương, bằng số tiền khoảng 200 nhân dân tệ đi vay. Thị trường rộng mở, Zhongtian đã thành lập chuỗi nhà máy trong những năm tiếp theo.
Sự nghiệp kinh doanh nhôm của vị đại gia này bắt đầu năm 1989. Nổi tiếng là một người cẩn thận, tỉ mỉ, vị tỷ phú Trung Quốc thường xuyên đi quanh các công ty để giám sát và chấn chỉnh những nhân viên làm việc không đúng mực. Sự chỉn chu và bền bỉ đã giúp tỷ phú này có được thành công.
Năm 2002, Liu vấp phải sự phản đối gay gắt từ các cộng sự khi chuyển hướng kinh doanh hẳn vào các sản phẩm nhôm công nghiệp. Hai năm sau, thành quả đến với tỷ phú này. Những đơn hàng cung cấp nhôm cho ngành đường sắt đã mang lại lợi nhuận bền vững cho các công ty của Zhongtian. China Zhongwang Holdings lên sàn chứng khoán và huy động được hơn 1 tỷ USD sau đó 7 năm. Số cổ phần Zhongtian nắm giữ trước khi IPO (chào bán cổ phiếu ra công chúng) là gần 75%.
Lùm xùm trốn thuế
Năm 2019, bồi thẩm đoàn bang California, Mỹ đã truy tố tỷ phú Trung Quốc về tội buôn lậu một lượng lớn nhôm vào Mỹ và trốn 1,8 tỷ USD thuế chống bán phá giá.
Liu Zhongtian khi đó là cựu chủ tịch kiêm nhà sáng lập của Zhongwang Holdings và các đồng phạm bị cáo buộc dàn xếp giả bán nhôm cho các công ty ở nam California. Theo bản cáo trạng, kế hoạch gian lận của tỷ phú 57 tuổi bắt đầu từ năm 2009 - thời điểm bán cổ phiếu ra công chúng và sau đó mở rộng thành chiến dịch trốn thuế nhập khẩu.
Theo Washingtonpost, hợp đồng giả việc giao dịch giữa Zhongwang và giúp nâng giá trị cổ phiếu. Mang danh nghĩa là mua bán độc lập, nhưng thực tế giao dịch này do Liu Zhongtian thao túng. Nhờ đó, công ty này đã thu về gần 1,3 tỷ USD khi IPO. Ngoài ra, cáo trạng 53 trang còn cho biết tỷ phú Trung Quốc sở hữu các công ty nhôm khác ở Trung Quốc, Việt Nam, Mexico và New Jersey, cùng một kho hàng ở nam California.
Theo tài liệu điều tra, Liu và đồng phạm đã chuyển hàng trăm triệu USD thông qua các công ty vỏ bọc có trụ sở tại California. Số tiền này được hợp thức hoá bởi một công ty khác với danh nghĩa là các khoản cho vay dùng để chi trả cho một lượng nhôm lớn nhập vào Mỹ.
Năm 2011, Trung Quốc bị kết luận ưu đãi sản xuất nhôm định hình và bán vào Mỹ với mức giá thấp hơn thị trường. Do đó, Bộ Thương mại Mỹ đã áp mức thuế đến 374% đối với các lô hàng tương lai từ Trung Quốc cho các sản phẩm nhôm định hình. Zhongwang là một trong những công ty bị áp mức thuế này. Tuy nhiên, kẽ hở trong chính sách thuế mới nằm ở việc không áp dụng với sản phẩm hoàn chỉnh.
Để lách luật, Liu và các đồng phạm đã hàn nhôm thành sản phẩm hoàn chỉnh dưới dạng các loại pallet trước khi vận chuyển đến Mỹ. Từ các pallet đó, những công ty ở Mỹ sẽ làm tan chảy thành dạng nhôm thô để bán ra thị trường.
Theo bản cáo trạng, khi một nhà đầu tư đưa ra những cáo buộc về việc gian lận, Liu Zhongtian đã phủ nhận hoàn toàn nhưng âm thầm chuyển nhôm lưu trữ tại các nhà kho ở California sang Việt Nam vào năm 2015. Với những cáo buộc trên, tỷ phú Liu Zhongtian và đồng phạm bị kết án đến 465 năm tù cho 24 tội danh âm mưu, lừa đảo, rửa tiền...
Mặc dù vậy, các bị cáo này đều không ở Mỹ. Trong khi Mỹ không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc nên không thể bỏ tù những bị can này. Kho nhôm được định giá đến 5 tỷ USD tại Việt Nam có thể giải quyết phần nào tình trạng thiếu nhôm trên thế giới, nhưng cũng không thể sử dụng do những lùm xùm của tỷ phú Trung Quốc.
Tuệ Nhi