![]() |
Bị cáo Lương Thị Dương. |
Kết quả điều tra xác định, Công ty Đông Nam đã nhập lậu 4.800 chiếc điện thoại di động qua cửa khẩu sân bay Nội Bài dưới dạng nhập khẩu phi mậu dịch hàng quà biếu. Tên và địa chỉ của người nhận hàng từ Hong Kong gửi về là không có thực hoặc nếu có thực cũng chỉ là trên giấy tờ. Tuy vậy, các nhân viên Chi cục Hải quan Nội Bài gồm Vũ Công Năm, Cao Văn Nhật, Trần Hồng Thái, Nguyễn Văn Thụ, Lương Thị Dương đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, khi kiểm hóa các lô hàng nhập lậu. Có 19 tờ khai hải quan ghi tên, địa chỉ người nhận hàng không có thực, hoặc không đến nhận hàng nhưng các cán bộ này vẫn cho qua.
Trả lời thẩm vấn, tất cả các bị cáo này đều phủ nhận cáo trạng và cho rằng, đã bị VKS quy kết "oan, sai". Bị cáo Lương Thị Dương nại rằng, "cứ có mặt người nhận hàng là bị cáo kiểm hàng, còn người ta có phải là chủ hàng hay không thì không thuộc trách nhiệm của bị cáo. Dương cũng cho rằng, "trong quy định của ngành, không yêu cầu cán bộ kiểm hóa phải xác định thân nhân, lý lịch chủ hàng".
Cũng "lập luận" trên, bị cáo Vũ Công Năm không thừa nhận hành vi thiếu trách nhiệm, không làm bất cứ thủ tục hải quan nào để kiểm tra và phát hiện điện thoại nhập lậu. Mặc dù được giao kiểm hóa hàng phi mậu dịch nhưng bị cáo Năm không trả lời được thế nào là hàng phi mậu dịch với lý do "không nhớ". HĐXX cho rằng, "điều đó không thể chấp nhận được".
![]() |
Ông Vũ Thanh Hải, đại diện Hải quan Hà Nội trả lời xét hỏi. |
Nhằm làm rõ những lời khai trên, chủ tọa cho gọi ông Vũ Thanh Hải, đại diện Cục Hải quan Hà Nội lên xét hỏi. Sau nhiều lời vòng vo về quá trình kiểm hóa hàng phi mậu dịch, ông Hải khẳng định, "cán bộ kiểm hóa không có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân của chủ hàng, nên không cần biết người đi nhận hàng có đúng là chủ hàng hay không". Chủ tọa hỏi: "Vậy làm sao để cán bộ kiểm hóa biết có đúng chủ hàng không để cho nhận hàng?" thì ông Hải khai "Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, mở tờ khai hải quan mới phải chịu trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ như chứng minh, hộ khẩu... sau đó giao cho các cán bộ Đội. Và các cán bộ này chịu trách nhiệm bàn giao chủ hàng cho cán bộ kiểm hóa". Chủ tọa "truy" tiếp: "Vậy cán bộ Đội phải chịu trách nhiệm về sai phạm này phải không?". Đến đây thì vị đại diện Cục hải quan im lặng... và cuối cùng thì thừa nhận "cán bộ Đội phải chịu trách nhiệm nhưng chỉ một phần nhỏ thôi" vì theo ông, "ngành hải quan không chịu trách nhiệm về người nhận hàng mà thuộc về cơ quan hàng không. Nếu cơ quan hàng không không phát hàng thì hải quan đâu có hàng mà kiểm hóa"... và "cơ quan hàng không mới phải trả hàng cho đúng chủ, nếu mất hàng thì họ chịu trách nhiệm"...
Trong phần trình bày của mình, vị đại diện Cục hải quan Hà Nội còn cố "bảo vệ" cho các bị cáo nguyên là những cán bộ "của nhà" khi cho rằng "cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo Đặng Mạnh Quyền (nhân viên Chi cục Hải quan Nội Bài) để buộc tội các bị cáo trên là không có căn cứ". Chủ tọa buộc phải lớn giọng yêu cầu vị đại diện này dừng lại và nhắc nhở "tòa không mời anh đến đây để bào chữa cho các bị cáo".
Ngay sau đó, đại diện Tổng cục hải quan được gọi lên xét hỏi đã trình bày rõ, "người nhận hàng phải có mặt tại nơi kiểm hóa để tham gia vào quá trình cân, đo, đếm và xác định chất lượng hàng. Khi nhân viên kiểm hóa phát hiện hàng có vấn đề, hàng lậu... thì phải lập biên bản chứng nhận hàng hóa với người đang làm thủ tục nhận hàng và các cơ quan liên quan". Chủ tọa hỏi: "trong vụ án này, trên thực tế, quá trình kiểm hóa không có chủ hàng, chủ hàng không có thực hoặc chủ hàng không có mặt tại nơi nhận hàng... mà thủ tục kiểm hóa vẫn được thông qua thì trách nhiệm thuộc về ai?". Vị đại diện này cho biết, "trước tiên, cơ quan hàng không phải chịu trách nhiệm, tiếp theo là cán bộ mở tờ khai. Nhưng bộ phận kiểm hóa khi tiếp nhận hồ sơ thấy không ghi đầy đủ như thiếu tên, chứng minh, địa chỉ người nhận... phải trả lại hồ sơ cho bộ phận mở tờ khai. Nếu làm sai, họ phải chịu trách nhiệm". Cuối cùng, đại diện Tổng cục hải quan nhận xét, "các cán bộ trên chưa làm đủ thủ tục hành chính".
Theo thẩm phán Phan Bá, chủ tọa phiên tòa, "các bị cáo này nắm rất rõ quy định của ngành, không yêu cầu phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của chủ hàng nên đã "lách" luật, sử dụng thủ đoạn để móc nối với đối tượng phạm pháp tuồn hàng lậu vào trong nước".
(Theo VnExpress)