Tại trường Dạy lái xe TB, trên khoảng sân xi măng có vẽ hình bằng sơn trắng, từng tốp học viên đang thao tác phần thực hành thi giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1. Cứ khoảng 30 phút, các nhóm học viên vừa thi xong phần lý thuyết lại lần lượt bước ra sân thi thực hành. Một sát hạch viên cho biết: “Đối với phần thi GPLX môtô, học viên chỉ cần 1 đơn xin dự thi theo mẫu, 1 phiếu khám sức khỏe, 1 CMND photocopy cùng ảnh là có thể nhập học 2 buổi lý thuyết, sau đó là thi thôi”. Bậm môi ghì tay lái theo đường vòng số 8 xong, chị N.T.N.H. phân bua với người bạn thi cùng: “Ông xã làm cơ quan nhà nước nên nghiêm lắm, bắt mãi tôi mới… ráng lấy cái bằng. Với lại ổng còn hứa mua cho chiếc Wave Alpha”.
Thế nhưng trong hàng trăm ngàn trường hợp như vậy, không phải tất cả đều thi GPLX cho chính mình. Ngày 27/10/2003, tại Hội đồng thi GPLX ở Trường TH CSND, Trần Văn Quang (sinh năm 1960) sau khi lọt qua vòng thi lý thuyết đã nhờ em ruột của mình là Trần Văn Đại “thực hành hộ”… chiếc xe hơi để lấy GPLX hạng B2 thì bị phát hiện.
Tiếp đó tại một địa điểm thi khác, Nguyễn Đức Thi, sinh viên đang nhờ một đối tượng thi hộ thì bị nghi ngờ. Móc hết giấy tờ ra chứng minh mình là “người tốt” không được, đối tượng thi hộ trên chờ sơ hở lẻn mất. Ngày 20/11/2003, tại hội đồng sát hạch GPLX ở TTDN Hóc Môn, một đối tượng đang chạy giùm phần thực hành dưới tên Nguyễn Thị Rô Li. Thấy gương mặt có vẻ “gian”, cán bộ sát hạch yêu cầu kiểm tra thì người này… ù té chạy!
Xung quanh việc “thi” lấy một cái bằng lái có quá nhiều điều nực cười. Đưa cho PV Sài Gòn Giải Phóng tờ biên bản mới lập, ông Dương Tự Lực - Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX Sở GTCC TP HCM (PQLSH) - nói: “Cái anh Nguyễn Đại Hưng này đã đi thi lấy GPLX giùm em mình, nhưng chúng tôi phát hiện ra người em bị khiếm khuyết bẩm sinh. Thật là khiếp đảm nếu như một người không đủ năng lực điều khiển xe, lại có bằng lái!”. Gần đây, do nhiều hội đồng thi GPLX làm “gắt”, các đường dây thi hộ đã chuyển “tông” sang thi kèm. Hồ Thị Khen ở phường 9, quận11 là ví dụ điển hình nhất khi chị này đã cùng Lê Thị Ngọc Nga ngồi gần nhau, sau đó tráo bài thi. Kết quả về lý thuyết, chị Khen đạt 13/15 điểm, còn thực hành đạt… tối đa 100 điểm.
Trước đây, hiện tượng một số cơ quan đơn vị nhà nước thường tổ chức thi GPLX… tại chỗ, có nơi còn mướn “thầy” về kèm riêng. Qua thống kê tại Sở GTCC, con số này là khá đông và trong đó còn có cả con em, cháu của cán bộ cơ quan đó.
Ở TP HCM, với đầu mối là Sở GTCC, hiện tại có 39 cơ sở đào tạo lái xe với 15 cơ sở đào tạo môtô, còn 24 cơ sở khác dành cho ôtô. Một người học lực trung bình, tham gia học lý thuyết 2 buổi (lệ phí 70.000 đồng) rất dễ dàng vượt qua kỳ thi lấy GPLX. Sau đó, đóng thêm 100.000 đồng làm lệ phí thi thực hành. Tất cả chỉ tốn 170.000 đồng. Tuy nhiên ngoài “chợ đen”, có đủ loại giá đi kèm theo từng loại bằng lái.
Nguyễn Quốc Cường (phường 12, quận Bình Thạnh) mang hồ sơ đến Sở GTCC TP HCM để xin cấp đổi bằng lái, người ta đã phát hiện ra ngay đây là hồ sơ giả. Điều làm mọi người sững sờ là toàn bộ hồ sơ dự thi đều được làm giả từ A-Z với đủ các chữ ký, con dấu giả.
Về phần Phan Văn Được, anh này cũng mang hồ sơ gồm các bài thi lý thuyết, thực hành, biên bản chấm thi, đơn xin cấp lại GPLX… đến Sở GTCC và chẳng khó khăn gì, Phòng Quản lý hồ sơ và cấp GPLX phát hiện ra đồ dỏm. Được cho hay đã mua với giá 700.000 đồng. Một thanh niên khác khá thật thà tên H. (ở Bình Long, Bình Phước) đã nhận là mình mua phải bằng dỏm của một “người bạn” với giá 750.000 đồng. Khi thấy tên trên bằng lái bị sai chữ lót, H. mang đi chỉnh sửa mới vỡ chuyện, còn “người bạn” trên đã “lặn không sủi bọt”.
Trưa 24/7, ghé vào cửa hàng H.P. trên đường An Dương Vương, quận 5. Tay nhân viên đen mập tên Trí chắc giá 11,5 triệu đồng cho chiếc Dream Hàn Quốc bao luôn giấy tờ. Và đây là nội dung cuộc đối thoại:
- Tui chưa có bằng lái, làm sao đứng tên?
Trí khoát tay:
- Nếu chưa có bằng lái thì nơi này cũng “bao” với giá 400.000 đồng. Cứ nộp giấy sức khỏe, 4 tấm hình, CMND bản sao thì tụi này bảo đảm cho. Anh cứ ra thi tại 105 Bà Huyện Thanh Quan (Trường Dạy nghề tư thục Bách khoa), yên tâm đi, tụi này làm ăn bao nhiêu năm nay rồi, anh cần bao nhiêu cái, có gì điện thoại số… gặp Trí nha.
Khảo giá qua một vài cửa hàng buôn bán xe máy, các nơi này đều cho giá 400.000- 500.000 đồng/bằng lái với điều kiện bắt buộc là: phải đi thi. Tuy nhiên, với những người “muốn có bằng lái mà khỏi phải học chi cho mệt” thì lại khác. Mới đây nhất, một “gà thi hộ” mang tên Lâm Thị Thanh Thủy ở quận 10, đã khai nhận nhiều lần thi hộ cho một số người thông qua tên “cò” có biệt danh là Nhàn. Mỗi lần thi hộ xong, Thủy được Nhàn trả công 300.000 đồng.
Tình hình sử dụng GPLX giả đang đến hồi báo động. Trong số trên 2 triệu GPLX do TP HCM quản lý hiện nay, đố ai biết được loại nào là “mác thật mà ruột rỗng”. Đưa vài cái GPLX “y như thật” ông Dương Tự Lực than: “Như vầy làm sao mà phát hiện, chỉ khi có nghi ngờ, chúng tôi mới kiểm tra đối chiếu các hồ sơ lưu”.
Cũng có trường hợp “thật mà giả” là hiện nay, do không hạn chế cấp “phó bản” GPLX nên nhiều người đã lợi dụng việc này, kiếm thêm “cái phó bản” rồi bán lại cho đối tượng khác thay ảnh vào để sử dụng. Lại nữa, chỉ cần dùng kỹ thuật vi tính khá hiện đại, một cái bằng lái có thể được tẩy sửa, thêm dấu, thăng hạng… thoải mái mà bằng mắt thường rất khó phát hiện. Hết sức trăn trở, ông Lực nói: “Nghị định 39/NĐ-CP ở điều 13, khoản 5, điểm G có quy định phạt tiền 1 triệu đồng với hành vi sử dụng bằng lái giả. Tuy nhiên, hành vi nhờ người khác thi kèm, thi hộ để lấy bằng thật, thì không thấy quy định cụ thể về biện pháp chế tài”.