Nhà nghiên cứu chính về chất liệu mới, bà Min Sijia - là giáo sư cộng tác với Viện nghiên cứu động vật Đại học Triết Giang - đặt tên cho công nghệ mới là "áo sinh học hoàn toàn từ sợi tơ". Bà Min cho biết, vì là một sản phẩm sinh học thuần túy, tơ tằm mềm mại, có độ thấm tốt và cấu trúc tự nhiên giống với da người. Một số chuyên gia da liễu thậm chí còn khuyên các bệnh nhân nên mặc đồ lót bằng tơ tằm để có lợi cho da.
Ham mê chất lượng và đặc tính của tơ tằm, bà bắt đầu nghiên cứu về khả năng sử dụng trong y học của chất liệu này từ năm 1996 khi bà làm tiến sĩ tại Nhật Bản. Sau 10 năm, bà đã thành công trong việc tạo chất liệu sợi tơ tằm nguyên chất mà không tồn dư hóa chất.
Tại phòng thí nghiệm, bà Min trình bày chất liệu mới cho các nhà báo. Bà đặt một tấm da nhân tạo hình tròn màu trắng lên mu bàn tay và nó nhanh chóng liên kết với da tay mà không thấy vết nối. "Nó có thể được chế tạo dưới mọi hình dạng với độ dày chỉ nửa milimét. Độ mềm của nó tương đương với da người, có độ dai và khả năng hấp thụ tốt", bà nói. Lớp áo sinh học này cũng dễ bảo quản. Nó có thể được giữ trong tủ lạnh thông thường và đưa ra sử dụng được sau khi rã đông.
Thí nghiệm trên động vật, da nhân tạo có thể làm lành miệng một vết thương đường kính 3cm sau chưa tới 20 ngày. Ngoài ra, lớp áo sinh học này cũng không dính chặt vào các lớp da non dang lên dưới môi trường ẩm, và không gây tổn thương cho da.
Hiện tại, người ta thường dùng da lợn và da người để chữa trị khuyết tật về da, tuy nhiên hai chất liệu này dễ gây nhiễm khuẩn và thường có phản ứng đào thải. Mặc dù Mỹ và Nhật Bản cũng đã bắt đầu sản xuất da y học từ collagen và chitose, song các chất liệu này quá đắt tiền nên không được ứng dụng rộng rãi.
Công nghệ mới đã được các chuyên gia ủng hộ và được cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, theo bà Min, "công nghệ này cần có thêm những thử nghiệm lâm sàng trước khi đưa vào sản xuất". Ước tính, Trung Quốc có khoảng 3,2 triệu bệnh nhân có khuyết tật về da.
(Theo Nhân Dân)