Khoảng 11h, hai cần cẩu đã vào vị trí, đầu cọc bêtông nằm trong vách ống đã được lực lượng cứu hộ nối với cáp kéo từ xe cẩu. Cọc bêtông được cấu tạo từ 3 đoạn nên sẽ có ba sợi cáp kết nối nhằm tránh lệch, trượt hay đứt gãy trong quá trình kéo. Hàng chục công binh, nhân viên kỹ thuật túc trực tại chỗ cùng thiết bị chuyên dụng cưa, cắt.
Theo một thành viên trong ban chỉ huy cứu hộ, do phần dưới cùng phía trong vách ống đất đang rất cứng, bám dính cao, các máy khoan áp lực nước sau một đêm hoạt động đã không hiệu quả. Hiện các nhân viên kỹ thuật thay các mũi khoan lớn bằng mũi nhỏ hơn để dễ hoạt động trong phạm vi nhỏ hẹp.

Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu thông tin tiến độ cứu hộ tại hiện trường, trưa 4/1. Ảnh: Hoàng Nam
Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết khi mũi khoan đến độ sâu 35-40 m, sẽ gặp những tầng đất rất phức tạp, có độ bám dính cao, chịu độ nén rất lớn. Các phương tiện thi công phải đưa lên đưa xuống nhiều lần nhiều lượt bằng phương pháp thủ công để rã đất ra.
"Trong điều kiện lồng ống chật hẹp, cứu hộ thao tác rất khó khăn. Công tác cứu hộ bắt buộc phải làm chậm để đảm bảo an toàn nên tiến độ chưa thể thực hiện như cam kết, dự tính ban đầu được", ông Bửu nói.
Lúc 7h45, một thành viên ban chỉ huy cứu hộ cho biết thời gian cẩu cọc bê tông được tính toán mất khoảng 2 giờ. Sau khi cọc được cẩu lên, lực lượng cứu hộ sẽ dùng thiết bị dò tìm chuyên dụng xác định vị trí cháu bé đang mắc kẹt, sau đó cắt ống trụ đưa nạn nhân ra ngoài.
Hiện, cứu hộ làm sạch những mét bùn đất cuối cùng trong lòng ống thép bằng phương án khoan xoáy nước áp lực lớn làm tơi đất và khoan guồng xoắn nhằm phá vỡ lớp đất có kết cấu chặt.
Phương án khoan xoáy nước được áp dụng từ rạng sáng nay khi khoan guồng xoắn đã làm sạch lòng ống thép đến 25 m. Theo kế hoạch, khi khoan đến độ sâu 27 m, công binh sẽ tròng cáp vào ba đoạn bêtông (mỗi đoạn dài khoảng 12 m) để kéo lên.

Lực lượng công binh tham gia giải cứu ở hiện trường, sáng 4/1. Ảnh: Hoàng Nam
Trước đó, chiều 3/1, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu thông tin sau nhiều nỗ lực, cứu hộ đã làm sạch khoảng 23/35 m bùn đất trong lòng ống thép. Khoan guồng xoắn vẫn được lực lượng chức năng sử dụng để làm tơi bùn đất sẽ thực hiện đến độ sâu cuối cùng của cọc, khi không còn ma sát, lực lượng chức năng sẽ tròng hệ thống cáp nhổ cọc lên.
Theo ông Bửu, quá trình thi công đoạn còn lại đang gặp khó khăn do kết cấu đất chặt. Tuy nhiên, các nhóm, tổ thực hiện giải cứu vẫn giữ tiến độ xuyên đêm, nhanh chóng tiếp cận cháu bé. Nhân lực và máy móc, thiết bị vẫn đảm bảo yêu cầu, tiến độ thi công.

Lưc lượng công binh đưa máy cắt bêtông vào hiện trường, đêm 3/1. Ảnh: Ngọc Tài
Bốn hôm trước, em Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, để nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống cột bêtông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m. Một số người chứng kiến cho biết, sau khi rơi vào cọc bêtông, bé trai kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút.

Lồng thép đã được đóng xuống bao quanh để hút hết bùn đất, giảm ma sát, giúp kéo cọc bêtông lên. Đồ họa: Khánh Hoàng
Trong hơn 80 giờ sau đó, hàng chục cảnh sát cứu hộ, cứu hộ tỉnh Đồng Tháp phối hợp chính quyền địa phương huy động 3 xe xúc, một xe cẩu cùng nhiều phương tiện chuyện dụng đào bới, tìm kiếm nạn nhân. Do trụ bêtông quá sâu, tiết diện nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể chui lọt, đội cứu nạn đã lên nhiều phương án để cứu hộ.
Theo VnExpress