>> 'Chuyện tình chưa gọi tên' của cô gái bị ung thư máu
>> 'Cô gái ung thư máu' không thể phẫu thuật ở nước ngoài
Xuất viện sau hơn ba tháng điều trị để thực hiện ca ghép tế bào gốc, Thuần về phòng trọ với nụ cười hạnh phúc dù vẻ bề ngoài có phần "xuống sắc". Da mặt xạm do điều trị hóa chất cực mạnh, tóc rụng, người gày gò nhưng tinh thần của Thuần tươi vui. Sức khỏe đã khá hơn, Thuần có thể ngồi dậy chuyện trò với bạn bè và đứng dậy tiễn bạn về. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyên cô nên tránh tiếp xúc đông người, không nên đi ra ngoài và ăn uống cẩn thận, đủ chất.
Thuần hài hước gọi mình là 'cậu bé' vì không còn tóc. |
Hiện tại, theo các bác sĩ Viện huyết học truyền máu trung ương, Thuần đã hoàn toàn lui bệnh và đang dần bình phục. Thạc sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc của bệnh viện cho biết, các chỉ số tế bào máu đã trở lại gần như bình thường, đặc biệt xét nghiệm về tổn thương di truyền đã cho kết quả âm tính, sinh học phân tử PCR gene bệnh cũng âm tính.
Giờ, Thuần không còn triệu chứng như đau nhức chân, tay như trước lúc nhập viện. Dù chưa ăn được nhiều nhưng cô đã cảm thấy khỏe hơn. Trước ghép, Thuần phải truyền hóa chất cực mạnh do bạch cầu và tiểu cầu xuống thấp. Tóc rụng, người mệt mỏi, miệng lở loét như nhiệt khiến "cô gái hoa hướng dương" không thể ăn. Nhớ lại thời gian vừa trải qua trong phòng vô trùng ở bệnh viện, Thuần vẫn còn sợ hãi.
"Để đảm bảo không bị nhiễm khuẩn, em phải kiêng rất khắt khe. Đồ ăn phải có xuất xứ rõ ràng và lành. Răng yếu nên em không thể ăn cơm mà phải ăn cháo. Ngoài ra, em cũng ăn thêm ngũ cốc, uống sữa tươi không lạnh để tránh đau bụng", Thuần kể.
Trong thời gian ghép, chân tay yếu nên Thuần không thể đi lại bình thường. Có lần đi vệ sinh, chân tay co quắp khiến Thuần không thể đứng dậy. Không được tắm, Thuần chỉ nhờ mẹ lau người giúp. Phòng vô trùng của Thuần cũng có những quy định riêng, người nhà không được đi vệ sinh hoặc mang đồ ăn vào bên trong. Có lần đau quá, sức yếu không thể gọi mẹ, Thuần tìm cách "đánh kẻng" để báo cho mẹ.
Lúc truyền tủy, do thể trạng yếu nên nhịp tim tăng khiến Thuần không thở được. Ngay lúc đó, các bác sĩ cho truyền chậm lại thì Thuần mới trở về trạng thái bình thường. Mấy ngày sau, Thuần nằm li bì, các vết loét phá ra từ họng tới miệng làm cô đau đớn.
Trước đó, Thuần được chẩn đoán bị bệnh Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, một dạng ung thư máu hay dân gian gọi là bệnh máu trắng. Đặc trưng của bệnh là tổn thương nhiễm sắc thể đặc hiệu PH1, do đột biến gene. Tuy nhiên, dù đã điều trị 2 năm bằng thuốc điều trị nhắm đích, phương pháp điều tối tân nhất hiện nay nhưng bệnh vẫn không tiến triển tốt hơn. Cơ hội duy nhất của bệnh nhân lúc này là ghép tế bào gốc tạo máu. May mắn có anh trai sẵn sàng hiến tế bào gốc nhưng chỉ số hòa hợp giữa người cho và người nhận chỉ đạt 5/6, chưa phải là chỉ số lý tưởng cho việc ghép. Thời gian mắc bệnh quá lâu, 7 năm, và virus viêm gan C càng khiến cho việc điều trị của Thuần thêm khó khăn.
Dù vậy, các bác sĩ cũng như gia đình và bản thân Thuần vẫn quyết định đánh cược với số phận - ghép tế bào gốc. Tháng 9 vừa rồi, Thuần và anh trai nhập viện cùng lúc. Anh trai được dùng thuốc kích thích để lấy tủy trong khi Thuần truyền hóa chất. Ca ghép tế bào gốc thành công giúp Thuần có thể ngồi dậy và đi lại bình thường.
Ra viện, Thuần vẫn tiếp tục điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép. Trong ba tháng đầu, Thuần sẽ tới viện kiểm tra hai tuần một lần. Sau 6 tháng ổn định bệnh nhân sẽ được dừng thuốc và sẽ chỉ theo dõi các xét nghiệm. Sau một năm, có kế hoạch điều trị viêm gan C cho bệnh nhân.
Không còn ý nghĩ tiêu cực, Thuần bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai. Cô gái ung thư viết tự truyện chia sẻ, trước khi đi xin việc làm, cô sẽ cố gắng tăng cân. Lúc nào khỏe hơn, Thuần muốn về thăm nhà vì cô đã đi chữa bệnh quá lâu.
"Em còn nhiều dự định. Bạn bè cũng đang đợi em khỏe để đi liên hoan. Giờ em thấy dần tự tin và thêm niềm hy vọng", Thuần tâm sự.
Hà Phương