Tivi "vứt" lên đống thóc còn tủ lạnh ông Vinh (xóm Hạ, Cự Khê) để tạm lên bàn thờ. |
Men theo con đường rải đá lởm chởm, thỉnh thoảng có đoạn nước tràn ra từ ruộng trong veo như một dòng suối, phóng viên Ngoisao.net tìm đến xã Cự Khê, một trong những xã vẫn nằm trong vòng vây của nước lụt. Trận mưa lớn những hôm vừa rồi hằn rõ dấu tích lên tường nhà, cây cối, ao hồ xung quanh. Rác, bèo dạt hết lên bờ, cỏ cây đổ dạt và chết ủng vì bị ngâm nước lâu ngày. Mới tới đầu xã, mùi phân gà, vịt, lợn hôi thối đã bốc mùi nồng nặc, khó chịu. Dọc những con đường đất và quanh các gia đình, vôi bột được rắc trắng xóa.
Nắng lên, các gia đình tranh thủ tát nước trong nhà ra và tiện thể rửa sạch tường bằng chính nguồn nước chỗ đục ngầu, chỗ nổi váng ấy. Khệ nệ bê chiếc chăn ẩm ướt bị chuột cắn nát tươm đặt lên chiếc bàn cao ở đầu hè ra phơi, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tâm (thôn Thượng, Cự Khê), người cầm chổi rễ, người cầm xô, vừa tát nước, vừa cọ sàn nhà. Biển nước ngoài ruộng tràn hết vào nhà đến hôm nay đã rút xuống mép bậc thềm cao nhất. Lội từ sân vào trong nhà, mực nước vẫn cao tới đầu gối. Ngôi nhà trần hai gian rỗng tuếch duy chỉ có bát đũa và hai chiếc chăn rách được đặt trên bàn trong buồng, còn lại mọi thứ vẫn đi sơ tán.
Vợ chồng anh Tâm (thôn Thượng, Cự Khê) đang múc nước ngoài sân vào rửa nhà. |
Vợ chồng anh vừa về nhà dọn dẹp hai hôm nay. Những ngày nước lớn, gia đình anh phải vào ở nhờ nhà người quen trong làng cao ráo hơn. Hì hụi múc nước ngoài sân vào rửa nhà, anh Tâm kể lại những ngày "chiến đấu" với mưa lũ: "Mọi người chạy lụt dồn hết vào các nhà ở vị trí cao. Mấy gia đình cùng ăn, cùng ở, cùng nấu nướng, sinh hoạt chung trong ngôi nhà đó. Nhà nào có gì góp nấy, có gì ăn nấy, cuộc sống những ngày qua không khác gì thời chiến tranh. Bước xuống giường là nước, mọi di chuyển đều bằng thuyền bè".
Lội xuống nền sân gạch trơn và đầy mủn rơm rạ, vợ anh Tâm chỉ lên tường nhà đầy côn trùng và những tổ trứng ốc nhồi hồng tươi đang bám trên đó: "Về toàn thấy rắn, rết, đỉa, bèo, rác bơi trong nhà. Chúng tôi phải tát từ hôm qua mới đỡ nước. Hôm nay là quét, rửa tường. Tình hình này phải đợi nước rút, khô ráo mới ở trong nhà được".
Đường vào các thôn Hạ vẫn ngập trên ống xả xe máy. |
Mấy đứa con anh Tâm nghỉ học hơn tuần nay chưa đi học được vì ngôi trường vẫn "lặn" sâu dưới nước. Không dám cho con sống trong bốn bề là nước lại ô nhiễm tứ phía, anh mang con lên gửi nhà người thân trong nội thành. Mang đôi ủng cao tới bẹn, chị vợ e ngại khi thấy phóng viên lội chân trần: "Cả nhà tôi bị đau mắt rồi. Còn bệnh nước ăn chân, ghẻ lở, lở loét thì hầu như ai ở đây cũng bị".
Càng vào sâu trong các thôn, môi trường còn bẩn hơn bởi nước không có chỗ thoát, toàn bộ phân vật nuôi, nước thải từ nhà vệ sinh cũng theo nước lụt ra ngoài, nổi hết lên mặt nước. Vài hôm trở lại đây trời nắng, các loại mùi bốc lên, quyện vào nhau rồi phả vào khoảng không chật hẹp.
Thôn Hạ ở vị trí cuối xã được xem là nơi ngập nặng nhất. Đến giờ, muốn đi vào các con ngõ trong thôn tuy không phải đi thuyền như hai ba hôm trước nhưng nếu đi bằng xe máy, nước cũng ngập quá ống xả. Đưa những nhát chổi rễ kêu sàn sàn trên nên sân gạch, bà Vinh (xóm Hạ, Khê Tang, Cự Khê) đang cố quét đám nước "cương quyết" không chịu ra khỏi sân. Thỉnh thoảng, có chiếc xe đi qua tung bọt trắng xóa, nước bẩn lại tràn vào cổng làm bà lại lóc cóc mang chổi ra quét lại.
Sân nhà bà Đức (xóm Hạ, Cự Khê) nước vẫn cao. |
Trong sân, làn nước đục ngầu tứa ra từ dãy nhà vệ sinh, chuồng lợn, chuồng gà đọng lại thành...ao. Ngoài thóc, tivi chất lên bàn và chiếc tủ lạnh để tạm lên... bàn thờ, mọi thứ còn lại đều ở trạng thái treo lơ lửng. Những ngày mưa, ông bà Vinh toàn phải dùng thuyền tôn để di chuyển trong sân nhà. "Nước bẩn lắm. Không đi bằng thuyền thì không dám lội xuống đâu. Gần hai tuần nay rồi mà hai thân già này vẫn chưa được ăn cọng rau xanh nào. Ngoài ruộng có rau ở đâu trôi đến nhưng nhiều váng dầu mỡ quá nên chúng tôi không dám ăn", bà Vinh than thở.
Mấy chú gà được ông bà "ưu ái" kê các thanh gỗ thành từng ngăn trong nhà tắm và nhà vệ sinh mặc cho chúng "muốn làm gì thì làm, ăn thì ăn mà đi thì đi". Có nhà không kịp sơ tán được thì đành đưa vịt và lợn lên tầng hai sống cùng...người, lợn, người rồi mới đến vịt cuối cùng. Khổ nhất là những nhà nuôi nhiều vịt và lợn. Không có chỗ sơ tán, các gia đình này đành bán tống bán tháo với giá rẻ, mà cũng phải thuê thuyền kéo ra tới tận đường quốc lộ mới bán được.
Trận mưa lớn đã qua đi hơn tuần nay những những dư âm và dấu tích nó để lại vẫn nguyên vẹn trên các cánh đồng ngập nước, những ngôi nhà "ngâm" mình với bèo tây và cả những người nông dân vẫn đang sống cùng nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Bài và ảnh: Bình Minh