Lúc 7h40, cô đưa cậu con trai 6 tuổi đến trường, sau đó dành một giờ tiếp theo để đọc sách. Siyuan đến văn phòng lúc 9h rồi nghỉ một chút để ăn trưa và tập thể dục. Cô đón con trai lúc 6h chiều, sau đó làm thêm việc hoặc chơi thể thao khi rảnh rỗi. Ngay cả vào cuối tuần, cô cũng dành thời gian đi bộ đường dài hoặc học nghệ thuật.
Siyuan là hình mẫu của những "bà mẹ doanh nhân" (mompreneur) - một tầng lớp phụ nữ mới nổi lên ở Trung Quốc. Họ làm việc hiệu quả, tự giác, đạt thành tích cao và ám ảnh việc cân bằng cuộc sống gia đình với sự nghiệp. Những bà mẹ doanh nhân này hầu hết đã tốt nghiệp đại học, có kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Họ có mạng lưới quan hệ rộng và sở hữu nhà riêng. Nói cách khác, họ là những phụ nữ ưu tú, độc lập về tài chính với nguồn lực xã hội và văn hóa dồi dào, cần thiết cho công việc kinh doanh.
Mompreneur xuất hiện nhiều ở các vùng kinh tế phát triển như Quảng Đông, Hong Kong và Ma Cao. Khảo sát của nền tảng tuyển dụng Liepin cho thấy 65% phụ nữ đi làm ở các thành phố muốn khởi nghiệp cao hơn mức trung bình toàn quốc là 48%. Khu vực này có truyền thống thương mại mạnh mẽ, tập trung nhiều trung tâm công nghiệp lớn, sản xuất đa dạng từ điện tử, quần áo và đồ chơi.
So với người lao động trung bình, các bà mẹ doanh nhân thể hiện sự cam kết hoàn toàn về thể chất và tinh thần đối với cả sự nghiệp cũng như cuộc sống gia đình. Họ thường ngủ ít sau khi sinh con, không được chồng chia sẻ việc nhà và phải nhờ đến bảo mẫu hay người lớn tuổi trong nhà để vượt qua giai đoạn sau sinh. Họ tin làm việc chăm chỉ là nền tảng cho gia đình nhưng con cái luôn là ưu tiên hàng đầu.

Ảnh minh họa: iStock
Duy trì sự cân bằng này là không dễ dàng. Hầu hết các "bà mẹ doanh nhân" đều ngừng cho con bú sau một tháng. Thay vào đó, họ hút sữa ở nơi làm việc và mang về nhà vào buổi tối, hoặc sử dụng sữa công thức. Khi con lớn hơn một chút và bắt đầu đi học, họ tận dụng các nguồn lực sẵn có để hiện thực hóa ý tưởng về "người mẹ hoàn hảo", ngay cả khi điều đó đồng nghĩa họ phải vượt qua ranh giới.
Sau khi sinh đứa con thứ hai, Bobo, 48 tuổi, đã thành lập "nhóm phụ huynh" gồm một bảo mẫu, cháu trai và một đồng nghiệp. Bảo mẫu chăm sóc hàng ngày, cháu trai giúp đỡ nhiều công việc và nhiệm vụ cá nhân, còn đồng nghiệp xoay xở giữa việc nhà và việc học của con. Bobo giải thích: "Hầu hết các bà mẹ chỉ có thể dựa vào gia đình, nhưng tôi có lợi thế là có thể sử dụng nhân viên".
Tương tự, khi Crystal tuyển dụng một nhân viên mới cho quán trà, cô chọn một phụ nữ có con cùng tuổi với con trai cô và sống gần đó. "Theo cách đó, tôi có thể nhờ cô ấy trông con khi tôi đi công tác", cô nói. "Tôi có chồng, nhưng anh ấy không thể tự chăm sóc con".
Hầu hết các bà mẹ doanh nhân đều tháo vát và độc lập. Họ thay thế việc chăm sóc con cái hằng ngày bằng dịch vụ xã hội như bảo mẫu, người giúp việc, tài xế hoặc tận dụng tài nguyên công ty như cơ sở vật chất và nhân viên. Tuy nhiên, những nguồn lực này do họ tự tạo ra và phụ thuộc hoàn toàn vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dù vậy, các bà mẹ doanh nhân vẫn dành thời gian trong lịch trình bận rộn cho con cái, vừa để hoàn thành vai trò làm mẹ vừa để chăm sóc trẻ về mặt tình cảm. Họ tin rằng chỉ có những người mẹ mới có thể mang đến cho con cái những điều tốt nhất. Theo quan điểm của họ, không ai, kể cả chồng hay cha mẹ, có thể thay thế vai trò đó.
Bằng nỗ lực cân bằng cuộc sống gia đình và công việc, các bà mẹ doanh nhân không có ý thách thức sự phân chia lao động theo giới tính trong các gia đình hiện này, cũng không định tạo ra bất kỳ thay đổi xã hội nào.
Thay vào đó, họ phân chia cuộc sống thành ba phần, gồm sự nghiệp, chăm sóc con và tự hoàn thiện bản thân với tinh thần kỷ luật cao. Càng thêm nhiều việc vào lịch trình, họ càng coi trọng kỹ năng tổ chức, sắp xếp.
Hướng Dương (Theo Sixth Tone)