“Cuộc chiến” này tới nay tuy chưa tới hồi kết nhưng dần thu hẹp thành “chuyện nhỏ”. Thời gian cho thấy, chiếm ưu thế lại vẫn là những kẻ đứng ngoài cuộc chiến là CD và DVD video đời cũ. Lợi nhuận từ việc bán đĩa CD và DVD-V lên tới hàng trăm triệu USD, số lượng đĩa bán khổng lồ và nói chung chúng chưa có đối thủ trên thị trường. Tuy thế, theo dự báo, trong tương lai, tất cả CD, DVD hay SACD… sẽ bị cạnh tranh vởi các công nghệ truyền qua mạng, thậm chí mạng không dây, nghĩa là không cần tới những vật mang dữ liệu.
SACD và DVD-A vẫn "ngang phân" với nhau. |
Tuy nhiên, hiện nay, đối với những ai vốn coi trọng và muốn tìm kiếm chất lượng âm thanh cao nhất có thể trong điều kiện công nghệ thì chắc sẽ rất lý thú khi biết thêm một số thông tin liên quan đến các phương thức lưu trữ dữ liệu này. Khoảng giữa năm 2004, Hội đồng DVD-Audio đã cho ra một thông báo, trong đó khẳng định rằng, theo thống kê của Hiệp hội ghi âm Mỹ (RIAA), trong năm 2003 lượng đĩa DVD-A bán ra đã tăng gấp đôi so với năm trước.
Các tập đoàn lớn “độc quyền” về SACD như Sony, Philips thì phát hoảng và lập tức phải cho kiểm tra lại. Song, chưa đầy một tuần sau, người ta đã phải thông báo rộng rãi lời cải chính về những sai sót của Hội đồng DVD-Audio. Và quan trọng nhất là đã khẳng định được trong các tính toán của Hiệp hội RIAA chẳng có số liệu nào như Hội đồng DVD-Audio đã trích dẫn. Ngược lại, trong đó đã nêu một cách rõ ràng rằng trong năm 2003, lượng đĩa SACD bán ra còn gấp 3 lần DVD-Audio.
RIAA đã tiến hành 2 nghiên cứu liên quan đến DVD-Audio và SACD trên cơ sở các số liệu của năm 2003. Nghiên cứu thứ nhất xem xét lợi nhuận của việc bán đĩa, còn nghiên cứu thứ hai là kết quả thăm dò khách hàng qua điện thoại với mục đích làm rõ xem họ thích loại đĩa nào và họ có biết về các loại đĩa mới này hay không.
Loại đĩa |
DVD-A |
SACD |
Đĩa than |
CD |
Số bán ra (triệu đĩa) |
0,4 |
1,3 |
1,5 |
745,9 |
Lợi nhuận (triệu USD) |
8 |
26,3 |
21,7 |
11.232,9 |
Để có sức thuyết phục và cảm nhận bức tranh tổng thể, trong bảng trên có cả số liệu tiêu thụ đĩa CD và đĩa than (LP). Các nghiên cứu như vậy vẫn được RIAA tiến hành hàng năm với sự giúp sức của các hãng kiểm toán Price WaterHouse Coopers.
Khi phân tích các số liệu, RIAA đã chỉ rằng, năm 2003 mới có các số liệu về đĩa SACD, vì thế không thể so sánh với các năm trước được. Nhưng theo số liệu năm 2003 thì lượng đĩa SACD thật sự gấp 3 lần đĩa DVD-Audio, cả về doanh thu cũng vậy.
Như đã nói ở trên, số liệu về đĩa CD và đĩa than được đưa vào để so sánh và làm rõ bức tranh chung. Như kết quả nghiên cứu chỉ ra, mức độ tiêu thụ của các loại hình đều giảm, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là trên Internet lan truyền quá nhiều file nhạc MP3. Số liệu thống kê cho thấy SACD có lượng phát hành ngang ngửa với đĩa than. Điều đó là hợp logic vì cả hai loại hình này đều dành cho một loại đối tượng tiêu thụ - những người coi trọng chất lượng âm thanh cả tương tự và kỹ thuật số.
Trong quá trình thăm dò khách hàng qua điện thoại thực hiện theo yêu cầu của RIAA, nhân viên hãng Peter D.Hart Research Associates đã liên lạc với 2.900 người Mỹ sống ở các bang khác nhau xem họ đã mua bao nhiêu đĩa trong một khoảng thời gian nào đó, và xem họ thích loại hình nào. Đồng thời còn hỏi xem họ hay nghe những loại nhạc nào.
Với loại nhạc thì kết quả khá rõ như sau: Rock: 25,2%; Rap/Hip hop: 13,3%, R&B/Urban: 10,6&; Đồng quê: 10,4%; Pop: 8,9% phần 31,6% còn lại thuộc về cổ điển, jazz và các loại khác. Còn về phương thức thì kết quả thu được khá bất thường. Đĩa CD dẫn đầu là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng tại sao đứng thứ hai lại là DVD-Audio? Không lẽ trên thực tế người tiêu dùng lại mua các đĩa DVD-A nhiều hơn cả đĩa single, băng cassete hay DVD-Video hay sao, đó là chưa nói tới SACD và LP? Mọi người, thậm chí quên cả tải từ mạng xuống các bản nhạc mới để đổ xô đến của hàng mua đĩa DVD-A hay sao?
Chính kết quả thăm dò qua điện thoại này đã khiến Hội đồng DVD-Audio tuyên bố một cách hùng hồn rằng lượng DVD-A gấp 5 lần SACD, mặc dù các số liệu thống kê về lượng bán và lợi nhuận của RIAA rõ ràng là trái với điều đó. Vậy điểm nút của mẫu thuẫn này nằm ở đâu?
Cuối cùng, vấn đề lại nằm ở chỗ, nhân viên thăm dò của Peter D.Hart toàn gọi điện vào đầu giờ sáng ngày chủ nhật, khi còn đang ngái ngủ, những người được thăm dò, vốn đã không phân biệt rõ lắm sự khác nhau giữa DVD-Audio và DVD-Video, nên hồn nhiên trả lời họ mua các đĩa CD và DVD. Còn các nhân viên của Peter D.Hart lại cứ hồn nhiên đánh dấu (+) vào cột DVD-Audio.
Có một điều rõ ràng, giữa hai loại hình DVD-Audio và SACD đang có cuộc cạnh tranh, nó diễn ra trên nền của cuộc đấu chung giữa các loại hình đĩa, hay phương thức lưu giữ thông tin. SACD tỏ ra có ưu thế hơn bởi mấy lý do: thứ nhất nó cho chất lượng âm thanh tốt hơn, thứ hai bảo vệ tốt hơn chống việc sao chép bất hợp pháp và thứ ba là nhờ lớp vỏ tách biệt SACD có thể nghe được trên các đầu đĩa compact thông thường.
Đối với DVD-A, như thực tế cho thấy, khách hàng khá thận trọng. Người ta mời chào khách hàng chiếc đĩa giá bằng hoặc thậm chí đắt hơn DVD-Video, trong đó chỉ có nhạc. Thế thì mua làm gì, trong khi có thể kiếm được băng video của cả buổi hoà nhạc hay cả bộ video clip thay vì chỉ có mỗi âm thanh. Không lẽ chỉ vì mỗi âm thanh đa kênh thôi sao?
Cũng không phải dễ làm quen với âm thanh đa kênh. Dường như stereo chất lượng tốt cũng đã đủ thoả mãn người nghe. Đối với SACD điều này không thành vấn đề, bởi lẽ chính cách ghi hai kênh của SACD là mối quan tâm lớn nhất của người nghe. Hiện tại cũng chưa có mấy hãng ghi âm dàn dựng các chương trình đa kênh một cách thực sự bài bản. Nhưng đối với stereo thì điều đó đã ổn định lâu rồi.
Cuối cùng, theo Nghe Nhìn, trong một thông báo của mình, SACD Project Team nêu ra số lượng các nhãn album ghi bằng công nghệ SACD là 2.037, trong lúc đó bằng đĩa DVD-Audio chỉ có 730 (tính đến giữa năm 2004). Thế nhưng, Hội đồng DVD-Audio vẫn kiên trì con đường riêng, dựa trên sự gần gũi của "đứa con ruột" của mình với DVD-Video. Chúng ta hãy chờ xem các số liệu của RIAA trong năm nay sẽ nói lên điều gì.