Câu chuyện về kho vàng 4.000 tấn do quân đội Nhật chôn giấu ở núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) hơn nửa thế kỷ qua được kể lại với nhiều tình tiết và bằng chứng rất thật. Cụ Trần Văn Tiệp (98 tuổi, người Hải Phòng, hiện ngụ Quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết, vào năm 1944 - 1945 người Nhật đã chôn một khối lượng vàng khổng lồ ở núi Tàu. Từ năm 1953, cụ Tiệp đã có thông tin về kho vàng này nhưng mãi đến năm 1975, cụ mới bắt tay vào tìm kiếm.
Ông Tiệp nói rằng, trong tay ông có rất nhiều hồ sơ cho biết vào cuối thế chiến thứ II, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, vị tướng Yamashita đã đưa một hạm đội gồm 84 tàu chiến chở đầy vàng đến vịnh Cà Ná (giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) trú ẩn. Tuy nhiên, sau đó lực lượng không quân của quân đồng minh đã đánh chìm 66 tàu của quân đội Nhật xuống khu vực này còn lại 18 tàu khác kịp thời chạy thoát và sau đó chính quân đội Nhật đã đưa số vàng khoảng 4.000 tấn vàng xuống một hòn núi sát với vùng biển này. Sau thế chiến thứ II, nhiều lần người Nhật đã đến Việt Nam để tìm tung tích kho vàng cực lớn này nhưng đều thất bại.
Từ sườn đông núi Tàu nhìn xuống, cánh đồng muối và khu dân cư xã Phước Thể, Huyện Tuy Phong. |
"Sở dĩ quân đội Nhật chôn kho vàng này gần biển là do thuận tiện giao thông đường biển, đường bộ và đường sắt. Hơn nữa, họ chôn gần một kho vàng khác của vua Chăm ngày xưa để lại nơi này", ông Tiệp nói chắc nịch.
Với thanh kiếm Nhật, một lá bản đồ và vài đồng tiền yen trong một lần tìm thấy tại khu vực núi Tàu, cụ Tiệp cho đó là "minh chứng không thể chối cãi về kho vàng này". Đến khi cụ Tiệp gặp được ông Lê Văn Hiền (Tám Hiền), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải (đã mất năm 2010), thì năm 1993, 2 người bắt đầu tìm kiếm. Sau khi ông Tám Hiền qua đời, cụ Tiệp vẫn tuyên bố: “Bạn tôi đi rồi. Dù chỉ một mình, tôi vẫn quyết tìm cho ra kho vàng này cho ngân khố quốc gia”.
Từ năm 1993 đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã 4 lần ký văn bản cấp phép (và 2 lần gia hạn) cho cụ Tiệp tìm kiếm kho vàng 4.000 tấn. Cũng khoảng thời gian này, cụ Tiệp đã tự bỏ kinh phí với hàng trăm lượng vàng để phục vụ cho việc tìm kiếm kho vàng, nhưng kết quả đến nay vẫn là con số không. Giờ đây, dù đã tuổi cao (98 tuổi) nhưng cụ vẫn đau đáu ước nguyện phải tìm bằng được.
Cuộc tìm kiếm đang ở giai đoạn nước rút
Chiều 9/3, cụ Trần Văn Tiệp bất ngờ xuất hiện tại khu vực xã Phước Thể. Cụ Tiệp “leo” lên đỉnh núi Tàu bằng chiếc xe Jeep quen thuộc của mình. Người phụ tá của cụ lần này là anh Trần Phương Hồng, con trai út của cụ. Ngay sau khi xuất hiện trên đỉnh núi Tàu, cụ Tiệp đã lấy bản đồ ra và bí mật chỉ cho người con trai út vị trí kho vàng và định vị cửa hang. Với cụ Tiệp, việc này hoàn toàn bí mật, nên không ai được ghi hình, ghi âm kế hoạch mà cụ Tiệp chuyển giao cho người con trai út.
Anh Trần Phương Hồng cho biết, những kế hoạch mà cha anh đã truyền đạt sẽ triển khai lại với những người cộng sự trực tiếp thăm dò, tìm kiếm kho vàng khổng lồ này. Theo anh Hồng, cụ Tiệp kiêng cữ tháng giêng không cho làm. Từ đầu tháng hai (âm lịch), việc khoan các mũi khoan tiếp theo ngay vị trí cửa hang sẽ được tiến hành.
Cụ Tiệp lên núi Tàu tìm kiếm kho vàng 4.000 tấn. |
Sáng 10/3, cụ Tiệp tiếp tục lên núi Tàu để "định vị” cửa kho vàng 4.000 tấn. Cụ tỏ ra khá minh mẫn và trí nhớ vẫn rất tốt. Lần trước (cuối tháng 12/2012), cụ Tiệp cũng đã có ý định trực tiếp khảo sát núi Tàu sau nhiều ngày “xa cách”, nhưng đến Phan Thiết thì bị viêm phổi cấp, phải nhập viện cấp cứu nên kế hoạch đành hủy bỏ. Lần này, vượt qua khoảng 1,5 km đường vòng xoáy ốc theo chân núi, chiếc xe Jeep rung lắc, chồm qua từng hốc đá, nhưng cụ Tiệp vẫn nắm chắc dây bảo hiểm và “không mảy may thấy mệt”.
Vừa đặt chân tới khu vực “kho vàng”, cụ Tiệp lấy trong túi áo ra một miếng vải giống như chiếc khăn vuông. Đó là tấm “bản đồ” mà cụ coi là báu vật, chỉ cụ mới được phép giữ nó. Sau đó, cụ Tiệp yêu cầu anh Hồng đóng cọc và dùng sơn đỏ vẽ từng điểm mà cụ trích dẫn từ trong bản đồ lên khu vực “cửa hang”. “Nó nằm sâu dưới này chỉ hơn 20 m. Cửa hang từ chỗ này đến chỗ... kia”, cụ Tiệp chỉ cho con trai vạch sơn đỏ từng vị trí.
Theo anh Trần Phương Hồng, giấy phép gia hạn UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho cụ Tiệp được thăm dò 150 mũi khoan nữa. Trước Tết, các cộng sự của cụ Tiệp mới khoan thăm dò được 5-6 mũi. Trong tháng giêng, theo cụ Tiệp là tháng “kiêng cữ” nên không khoan thêm mũi nào. "Cuối năm rồi, sau vài mũi khoan, các cộng sự của cụ xác định được có 2 bộ hài cốt. Đó là những nữ thần gác cửa kho vàng", cụ Tiệp nói.
Cụ Tiệp nay đã gần 100 tuổi nhưng vẫn đau đáu ước nguyện tìm được kho báu 4.000 tấn vàng. |
Cũng theo lời anh Trần Phương Hồng, mùng 9 tết vừa qua (18/2) cụ Tiệp đã đến gặp Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận để báo cáo về những chi tiết mới của việc thăm dò. Dù nội dung làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh không được tiết lộ, nhưng theo anh Hồng, đó là kết quả của đợt đo đạc, thăm dò mới nhất mà cụ Tiệp đã thuê một đơn vị ở Hà Nội thực hiện. “Những kết quả mới này sẽ lý giải với tỉnh vì sao ba tôi xin gia hạn liên tiếp để thực hiện tâm huyết của ông”, anh Hồng nói.
Hiện giấy phép của cụ Tiệp được gia hạn đến 30/6, nhưng cũng như các lần trước, cụ Tiệp quả quyết: “Không cần nhiều thời gian đến như thế, ông sắp tìm được cửa hang nay mai thôi”.
Ông Trần Văn Tiệp sinh năm 1915, quê gốc ở Hải Phòng, di tản vào Sài Gòn khi mới 10 tuổi. Thời chống Pháp, ông từng tham gia cách mạng. Suốt từ năm 1957 đến nay, ông chỉ chăm chú một việc mà theo ông cho đó là công trình của đời mình: khai thác kho vàng núi Tàu. Theo ông Tiệp, kho vàng núi Tàu có không ít hơn 4.000 tấn, đó là chưa kể kho vàng của người Chăm xưa chôn ở gần đó chừng 1.000 tấn. Cộng với châu báu khác nữa thì kho vàng núi Tàu trị giá không dưới 100 tỷ USD.
Theo Thanh Niên