Sống chen chúc cùng người chết, tương lai của cháu bé tại khu ổ chuột thuộc khu phố 4, Tân Hưng, quận 7 sẽ ra sao?
Sống trong môi trường bị ô nhiễm, họ phải dè sẻn từng ca nước, từng số điện, số trẻ đến tuổi không được đi học đang ở mức báo động...
Bạn Trùng Dương ngụ tại hẻm 1036 hương lộ 14, quận Tân Phú, TP HCM, bức xúc cho biết: “Chỉ cách khu du lịch Đầm Sen (quận 11) chưa đầy 1 km, vậy mà cho đến nay, hệ thống cấp điện, nước sạch của nhà nước vẫn chưa vào đến khu phố khiến các hộ dân phải cắn răng mua từng can nước và câu nhờ điện của những hộ có điện kế với giá cắt cổ”.
Không chỉ có hẻm này, hơn 1.000 hộ dân ngụ tại hẻm 1037 liền kề cũng lâm vào tình trạng tương tự. Một số hộ được gắn điện kế đã bỏ vốn mua một số trụ điện trồng trong xóm và tự kéo dây bán điện cho những hộ có nhu cầu với giá cao gấp 2-2,5 lần so với giá chính thức.
Không có nước máy, dân phải đào hoặc đóng giếng. Thế nhưng, người dân ở đây vẫn may mắn hơn so với hàng nghìn hộ dân ngụ tại khu ổ chuột trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7.
Chị Nguyễn Thị Hương, tổ trưởng tổ 15B, phường Tân Phú, quận 7 cho biết: "Không chỉ sống trong môi trường tự nhiên bị ô nhiễm trầm trọng, bà con khu phố còn “khát” nước, “đói” điện từ nhiều năm nay".
Năm 2002, đường ống cấp nước vào tới đầu xóm và ngưng luôn cho đến nay. Mạng cấp điện cũng thế. Có tin khu vực này sẽ bị giải tỏa nên “hai ông” này không đầu tư nữa. Nhiều hộ đã khoan giếng nhưng nước lấy lên đều không xài được, kể cả tắm giặt.
Khu vực này ở quá gần khiến nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn từ rạch Đa Khoa. Một số người liều lĩnh dùng nước giếng khoan để tắm gội. Sau một thời gian, hầu hết đều bị các bệnh về da như ghẻ, ngứa…
Để có nước dùng, tất cả các hộ dân ở đây phải mua từng xe với giá 18.000 đồng/bồn 600 lít. Về điện, cũng khổ sở không kém. Một số hộ có điện kế yêu cầu những hộ “câu nhờ” phải đóng tiền “thế chân”.
Thế chân 1 triệu đồng, sẽ được mua theo giá hữu nghị là 2.000 đồng/KWh, thế 300.000 đồng, phải mua giá 2.700 đồng/KWh. Trường hợp không thế chân, người mua phải trả 3.000 đồng/KWh.
“Bà con trong xóm nếu không thất nghiệp thì cũng chỉ làm thuê, thợ hồ, công nhân… đắt đỏ thế chịu sao nổi. Tôi bán hàng ăn, có đồng ra đồng vào, vậy mà cả mấy mẹ con phải dè sẻn từng ca nước, mấy ngày mới dám tắm một lần. Đã mua đắt mà cứ như đi xin. Làm người bán nước phật ý là y như rằng bữa đó cả xóm bị "cấm vận". Nói thiệt, mùa mưa, nước ngập, hôi thúi nhưng vẫn thấy dễ chịu hơn vì bà con có thể hứng nước mưa để xài”, chị Hương than vãn.
Con trẻ không dễ đến trường
Người dân các khu nhà ổ chuột phải mua nước với giá “cắt cổ”. |
Vợ chồng anh Nguyễn Tấn Huy bỏ quê (xã Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp) lên TP HCM thuê nhà ở khu ổ chuột (Khu phố 1, phường Hiệp Thành, quận 12) đã hơn 2 năm nay.
Cùng làm hồ, chồng thợ chính, vợ làm thợ phụ, kiếm được 70-80 nghìn đồng/ngày. Khổ nỗi, công việc không liên tục nên thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà và bữa cháo bữa rau.
Anh Huy chua chát: “Thằng con lớn của tôi đã 7 tuổi, lẽ ra phải được đến trường như bạn bè cùng trang lứa nhưng hiện nay phải ở nhà làm “bảo mẫu” cho đứa em mới lên 3. Tôi rất muốn cho con đi học để nó khỏi thua thiệt như cha mẹ nó nhưng mà khó quá.
Nếu nó đi học, ngoài khoản tiền học phí thì mẹ cháu phải nghỉ ở nhà, hoặc vợ chồng tôi phải thuê người trông giữ con em, làm sao kham nổi ? Tôi định năm tới sẽ cho nó học lớp xóa mù chữ, hoặc bổ túc văn hóa gì đó cũng được”.
Trường hợp trẻ em đã đến tuổi đi học vẫn không được tới lớp khá phổ biến tại các khu ổ chuột hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Triều, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết: Khu nhà ổ chuột thuộc khu phố 2, phường Tân Phú là một trong những “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên địa bàn.
Trong tương lai toàn bộ khu vực này sẽ giải tỏa để phục vụ dự án mở rộng Trung tâm Y tế quận và xây dựng đường liên thông với đường Nguyễn Văn Quỳ và cầu Phú Mỹ.
Tuy người dân ngụ tại đây không có hộ khẩu nhưng chủ trương của UBND quận là tạo mọi điều kiện để các em đến tuổi được tới trường, không phân biệt đối tượng theo học có hay không có hộ khẩu. Thực tế, đã có một số trường hợp không có hộ khẩu đang được tạo điều kiện theo học tại các trường công lập của quận.
“Nếu trường hợp gia đình học sinh quá khó khăn, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Giáo dục có kế hoạch bố trí các em vào lớp học tình thương thuộc trường công lập. Những học sinh có học lực khá, giỏi, gia đình quá khó khăn, dù không có hộ khẩu, địa phương vẫn miễn phí toàn bộ tiền học hay trao học bổng, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu yên tâm học tập”, ông Triều nói.
Tuy nhiên, ông Triều cũng thừa nhận rằng công tác quản lý nhân khẩu đối với các đối tượng không có hộ khẩu hết sức khó khăn, đặc biệt là tại các khu ổ chuột bởi phần lớn người dân không định cư cố định mà di chuyển liên tục từ nơi này đến nơi khác. Do đó, việc rà soát, lập danh sách các cháu đến tuổi đi học rất khó và dễ bị sót.
(Theo Tiền Phong)