Đường vành đai III (đoạn Khuất Duy Tiến) giải phóng mặt bằng xong cả tháng nay nhưng không được thi công. |
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND TP tại hội nghị Đảng bộ TP Hà Nội chiều 10/1, năm 2006 TP đã bố trí gần 3.300 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, chiếm 40% tổng số vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, khối lượng giải ngân chỉ đạt trên 2.100 tỷ đồng (khoảng 66% kế hoạch).
Nhiều dự án như cầu Vĩnh Tuy, đường 5 kéo dài có mức giải ngân đạt thấp, vẫn còn 9/32 dự án triển khai chậm vì các nguyên nhân: công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công không đáp ứng được tiến độ, hoặc một số văn bản mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chậm ban hành và thiếu đồng bộ.
Trưởng ban GPMB TP Nguyễn Đức Biền cho rằng những nguyên nhân được nêu chỉ mang yếu tố khách quan, về chủ quan cần nhìn nhận từ yếu tố chính sách trong GPMB thiếu đồng bộ, người thực thi hướng dẫn không chuẩn dẫn đến sai sót khiến dân khiếu kiện.
Ông Biền dẫn chứng nhiều dự án có quỹ đất “sạch” nhưng nhiều đơn vị không khởi công hoặc không chịu thi công tiếp dẫn đến chậm tiến độ chung. Cụ thể, dự án đường 5 kéo dài nói là chậm GPMB nhưng thực tế đã có mặt bằng “sạch” tại huyện Đông Anh, giải phóng xong rồi lại để đó...
Ông Biền nói: “Nếu các dự án trọng điểm triển khai như vậy thì bao nhiêu năm nữa Hà Nội vẫn chỉ là một công trường “vụn”, với các dự án dở dang, gây lãng phí”.
Ông Biền kiến nghị đối với các dự án không đủ điều kiện GPMB, không phê duyệt phương án. Những dự án đã GPMB xong cũng đề nghị bắt buộc thi công ngay.
Ông Văn Khôi, Giám đốc Sở Giao thông công chính Hà Nội, khẳng định việc chậm triển khai các dự án có yếu tố từ khâu cán bộ. Trong GPMB, khâu điều tra, xác nhận nguồn gốc đất rất quan trọng nhưng cán bộ cấp phường thực hiện rất yếu. Giai đoạn công khai cũng thực hiện chưa nghiêm, cách giải quyết khiếu nại của dân liên quan đến GPMB cũng vướng và yếu. Ông Khôi nêu có những dự án chỉ còn 1-2 hộ thắc mắc nhưng giải quyết tới vài tháng không xong.
Theo Ban kinh tế ngân sách, kế hoạch bố trí vốn năm 2007 cho các công trình trọng điểm gần 3.500 tỷ đồng, chiếm 40% tổng vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản. Trong năm sẽ khởi công các công trình: Trường Hà Nội - Amsterdam, Bảo tàng Hà Nội, Trường kỹ thuật cao Việt - Hàn, Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao giai đoạn II, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ Hà Nội, nhà thi đấu wushu, dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường (dự án 2), khởi công cầu Nhật Tân. Hoàn thành sáu công trình: đường vành đai I đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, nút ngã tư Sở, hạ tầng kỹ thuật và xử lý nước thải khu vực xung quanh hồ Tây, đường Lạc Long Quân, cầu Vĩnh Tuy. |
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND TP, nói ngành nào cũng muốn đưa công trình của mình vào “nhóm” các công trình trọng điểm để được ưu tiên cấp vốn.
Nhưng thực tế hiệu quả lại không được như mong đợi. Những dự án trọng điểm luôn được ưu tiên cấp 40-50% vốn nhưng có những dự án trong “nhóm” trọng điểm khi chủ đầu tư được giải ngân đã xuất hiện tình trạng cố tình “găm giữ” công trình để “ôm giữ” vốn chứ không phải lỗi do GPMB.
Theo ông Hoạt, cần xác định rõ năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư khi thực hiện công trình. Tránh tình trạng một chủ đầu tư nhận nhiều dự án sau đó rải quân thực hiện ì ạch dẫn đến tiến độ cứ bị đẩy lùi dần, lùi mãi.
Ông dẫn chứng thời gian qua TP đã đầu tư xây dựng khoảng 40 khu đô thị mới nhưng khu đô thị nào cũng dang dở. Cả TP bị đào bới như một đại công trường. Ông Hoạt nhấn mạnh đã là công trình trọng điểm thì phải thực hiện tập trung gắn với nhiệm vụ đầu tiên là qui trách nhiệm cho chủ đầu tư. Không để hiện tượng khởi công lấy ngày rồi để đấy.
Còn Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định những cán bộ thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ phải được xử lý cương quyết. Những chủ đầu tư yếu kém về năng lực phải được thay thế, không để tình trạng dự án tồn đọng kéo dài.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Triệu, đơn vị làm sai thì bị xử lý nhưng những đơn vị làm chậm chưa xử lý được trường hợp nào. Ông Triệu lưu ý trong năm 2007, tất cả công trình cần quỹ nhà tái định cư trước mắt phải làm chuẩn chất lượng nhà tái định cư. Dứt khoát phải kiểm tra đủ chất lượng mới đưa dân vào.
(Theo Tuổi Trẻ)