Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã có kết luận điều tra về vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức kể trên.
Tháng 5/2003, qua công tác kiểm tra, rà soát hồ sơ đăng ký xe máy, Phòng cảnh sát kinh tế Công an thành phố phát hiện 83 hồ sơ đăng ký xe máy là giả. Số giấy tờ này nhằm hợp thức hóa cho các loại xe máy nhãn hiệu Spacy, @ (Honda), Avenis (Suzuki), đã được cấp biển đăng ký từ S1 đến S9 và P1 đến P2. Sự việc được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội tiếp nhận, xác minh. Theo đó phát hiện có 115 xe máy bất hợp pháp được một nhóm tội phạm “phù phép” thành hợp pháp, bán lại cho người tiêu dùng.
Kết thúc điều tra, những “phù thủy” đã lộ diện. Đó là Đỗ Hồng Phong, Đỗ Hồng Khanh, Đoàn Khánh Thiện.
Quá trình làm giả giấy tờ nhằm hợp thức hóa những chiếc xe máy có nguồn gốc bất hợp pháp của nhóm tội phạm này kéo dài khoảng 1 năm. Thủ đoạn là sử dụng các biểu mẫu thật như “tờ khai nguồn gốc nhập khẩu xe gắn máy”, đánh máy chữ điện tử vào nội dung tờ khai; làm giả con dấu các đơn vị Hải quan gồm Cục Hải quan Hải Phòng, Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn, Hải quan Phước Thắng. Sau đó, các đối tượng tiến hành làm giả con dấu, chữ ký của các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, sản xuất kinh doanh trên các tờ khai nguồn gốc nhập khẩu xe gắn máy, phiếu kiểm tra xuất xưởng dùng cho phương tiện cơ giới, hóa đơn giá trị gia tăng của các Công ty Xuất nhập khẩu Hải Phòng; Công ty Thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Hải Phòng; Công ty Sản xuất tiểu thủ công nghiệp miền Trung Bình Định, Công ty Thương mại tổng hợp Quảng Bình...
Sau khi làm lại “giấy khai sinh” cho những chiếc xe máy đắt tiền có nguồn gốc mờ ám, những kẻ chủ mưu thuê, mượn tên, hộ khẩu của nhiều người, nhờ sự giúp đỡ của các “cò” đăng ký xe máy, đưa hồ sơ đến Phòng cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Cao Bằng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai để xin cấp đăng ký. Hầu hết những chiếc xe này, sau một hành trình vòng vèo, đều được đưa về tiêu thụ tại Hà Nội.
Đối tượng đầu tiên xuất hiện trong “đường dây” là Đỗ Hồng Phong. Từ lâu, Phong đã “nổi tiếng” trong việc làm giả chữ ký, con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với 3 tiền án về tội danh này. Ngay trước khi thiết lập mạng lưới hợp thức hóa và tiêu thụ xe gian, Phong là bị can trong một vụ án khác do Công an Tiền Giang khởi tố, với tội danh giả mạo giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Sau khi được Công an tỉnh Tiền Giang hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, Phong lao ngay vào phi vụ làm ăn mới. Từ tháng 9/2002 đến 5/2003, Phong móc nối với Nghiêm Xuân Khanh, Đỗ Đình Thanh (cũng là bị can trong vụ án giả mạo giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan tổ chức xã hội do Công an Tiền Giang khởi tố) tìm mua các loại xe máy có nguồn gốc bất hợp pháp bao gồm xe nhập lậu, xe trộm cắp rồi tìm cách hợp thức hóa các phương tiện này bán lấy lời.
Tại Hà Nội và Thái Nguyên, Phong cung cấp hồ sơ giả cho Nghiêm Xuân Khanh, Đỗ Đình Thanh và 2 đối tượng khác tổ chức việc thuê, mượn tên hộ khẩu, chứng minh thư, giấy phép lái xe của người quen tại Hà Nội đứng tên đăng ký cho 53 xe máy. Thông qua Chử Quang Hải là đối tượng “cò” đăng ký xe máy, đường dây này đã qua mắt được công an, xin được biển đăng ký cho 50 xe bao gồm: 49 Honda Spacy và 1 Suzuki Avenis.
Chúng còn đưa vào đăng ký 3 xe khác nhưng bị phát hiện là giấy tờ giả nên Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội không cấp đăng ký. Theo lời khai của các bị can, để làm đăng ký hợp thức 53 hồ sơ giả, Phong đã đưa cho “cấp dưới” từ 3 đến 4 triệu đồng/hồ sơ vào từng thời điểm cụ thể. Tổng số tiền Phong đưa cho 53 hồ sơ khoảng 160 triệu đồng (trung bình 3,5 triệu đồng/xe). Khi đã có biển số và đăng ký xe, xe gian được tung ra thị trường theo nhiều hình thức: trao tay, “bao tên” hoặc bán cho những người buôn bán xe máy cũ ở chợ xe máy Phùng Hưng, Dịch Vọng... Số xe này tiếp tục được buôn bán qua tay người này người khác. Mua bán lòng vòng nên sau khi bắt tay vào điều tra vụ án, công an chỉ thu hồi được một chiếc...
Theo Hà Nội Mới, đường dây tiếp tục được mở rộng khi Nghiêm Xuân Khanh, Đỗ Đình Thanh quyết định “ra ở riêng”, tìm kiếm cho mình những phi vụ mới. Vẫn bằng những thủ đoạn như trên, chúng “xâm nhập” vào quy trình cấp đăng ký của cảnh sát giao thông nhiều địa phương, để rồi tung ra thị trường những chiếc xe máy “ma”...