Bắt đầu từ vụ sản xuất rượu giả mà Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an Hà Nội vừa khám phá. Hai vợ chồng Trịnh Thu Hương và Đoàn Việt Anh, tạm trú tại phố Tân Ấp, quận Ba Đình đã sản xuất các loại rượu ngoại giả như Chivas, Johnny Walker Blue (Black, Red, Gold…) bằng công thức cực kỳ đơn giản.
Đó là sử dụng luôn những dòng rượu Wisky, Vodka sản xuất trong nước có màu sắc tương tự như rượu liên doanh Gold King của Bình Dương với giá bán lẻ khoảng 65 ngàn đồng/chai, rượu Voska màu Hà Nội với giá khoảng dưới 50 nghìn đồng để đổ vào những vỏ chai rượu ngoại mà vợ chồng Hương đi thu mua của những cơ sở buôn bán đồng nát.
Còn nắp chai và cổ bi? Vốn là những nhân viên phục vụ của quán hải sản, vợ chồng Thu Hương biết rất rõ ở một số nhà hàng, quán bar, các nhân viên mở rượu rất giỏi và khéo, rút nguyên được cả nắp chai và ổ bi, sau đó đem bán lại.
Một cụm nắp như vậy vợ chồng Hương đặt mua với giá loại đắt nhất là 200 nghìn đồng. Sau đó mang về dùng máy đóng nắp chai (khai mua của Trung Quốc) đóng xuống, rồi dùng keo dán nắp giấy cho chặt (hoặc dùng máy sấy tóc xì cho keo ở nắp chảy ra, rồi miết chặt). Tem nhập khẩu giả mua trên thị trường rất nhiều. Thế là chỉ bỏ ra vài trăm nghìn là hai vợ chồng Hương đã có thể sản xuất ra một chai rượu ngoại với giá bán trên thị trường hơn một triệu đồng.
Để che mắt lực lượng Công an, hai vợ chồng Việt Anh đã thuê nhà trong ngõ cụt, chung với một số đối tượng có biểu hiện bán lẻ ma túy. Mà những kẻ bán ma túy này thì đánh hơi công an rất thính, khi có người lạ là chúng nháo nhác ngay, vợ chồng Việt Anh có đủ thời gian tẩu tán tang vật.
Khi đi giao hàng cũng vậy, Việt Anh điều khiển xe vòng vèo qua rất nhiều phố rồi đỗ lại ở gần điểm giao hàng, cho vợ xách bộ khoảng chục chai rượu vào giao.
Dù là rượu giả nhưng giá giao của vợ chồng Việt Anh chỉ giảm hơn so với giá giao trên thị trường là vài chục nghìn với lý do đưa ra cho các chủ hàng là mua được hàng biếu của các gia đình “sếp” hay nhập được lô hàng lậu nên rẻ hơn. Vợ chồng Việt Anh cũng ký vào chai rượu làm tin như các đại lý giao rượu khác.
Từ khi sản xuất rượu giả đến nay, vợ chồng Việt Anh đã giao được cho 4 đại lý ở đường Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Hàng Chuối, nơi ít nhất 1 lần, nơi nhiều là 3 lần.
Khi bắt quả tang và khám xét tại nhà trọ của vợ chồng Việt Anh ngày 28/11, cơ quan Công an đã thu được 63 chai rượu ngoại các loại, đấy là chưa kể hàng trăm vỏ chai rượu ngoại các loại đang chờ được đóng ruột bằng rượu nội…
Địa bàn được đánh giá là sản xuất nhiều rượu ngoại giả nhất phải kể tới là TP HCM. Vào dịp Tết năm ngoái, Đội Chống buôn lậu hàng cấm của Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an Hà Nội đã phát hiện một đường dây vận chuyển, buôn bán hàng nghìn chai rượu ngoại các loại sản xuất giả từ TP HCM qua Đồng Nai, về Nam Định, rồi chuyển ra Hà Nội tiêu thụ, bắt và khởi tố 4 đối tượng là Trần Anh Tuấn và Lâm Thanh Hương (2 mẹ con) ở Nam Định; Nguyễn Mạnh Cường, ở TP Biên Hòa, Đồng Nai và Nguyễn Thu Hương, ở 43 Hàng Buồm về hành vi buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ hàng giả.
Chỉ tính riêng trong năm 2006, Đội Chống hàng giả của Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an TP HCM cũng đã phát hiện và khởi tố 7 vụ làm rượu ngoại giả; Lớn nhất là "lò" Bùi Thanh Vân, ở phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM, thu giữ 1.060 chai rượu ngoại giả các loại.
Cách thức sản xuất rượu giả của Vân là mua rượu Lúa mới hay Vodka Hà Nội, thắng nước đường pha vào (hoặc dùng mật ong) cho có màu hanh hanh vàng giống với màu rượu tây, rồi mua chai rượu ngoại thật về pha chế với công thức: 1 chai rượu thật cộng với rượu trắng, nước đường thắng bằng 3 chai rượu giả, đem đóng lại tiêu thụ.
Còn tại "lò" sản xuất rượu giả của Cấn Văn Thông, Cấn Kim Khôi và Nguyễn Thị Hoa ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM thì lại pha chế với lãi suất cao hơn: 5 phần rượu Nếp mới, Lúa mới và 1 phần rượu ngoại thật bằng 1 chai rượu giả.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì hiện nay trên thị trường rượu ngoại ở Việt Nam, số lượng rượu ngoại giả là rất nhiều. Ngoài việc sản xuất trong nước với thủ đoạn làm ngày càng tinh vi và khó phân biệt với người tiêu dùng, các đối tượng còn vận chuyển mặt hàng nhập lậu này từ nước ngoài vào.
Có 2 loại rượu nhập lậu, đó là nhập lậu rượu của chính hãng nhưng trốn thuế để kiếm lời và nhập lậu rượu giả sản xuất từ nước ngoài về Việt Nam. Loại rượu nhập lậu thứ 2 này chất lượng cũng chẳng hơn gì loại sản xuất giả trong nước, thậm chí bọn chúng có pha chế thêm tạp chất gì hay không người uống không thể phát hiện ra.
(Theo Công An Nhân Dân)