Scandal được ví như "nọc rắn" của công nghệ lăng xê. Nếu biết dùng đúng liều và đủ liều, nó có thể là thần dược, đưa tên tuổi diễn viên, ca sĩ theo chiều thẳng đứng chỉ bằng cái chớp mắt. Nhưng nếu "bạ đâu cắn đấy" thì kiểu gì cũng chết.
Thường scandal được phân ra làm ba loại: vô tình, cố tình và cố tình nhưng làm ra vẻ vô tình.
Loại vô tình thường gây hậu quả nghiêm trọng nhất vì nó thường phát sinh ngoài ý muốn của khổ chủ. Ví dụ như vụ kiện của vua nhạc pop Michael Jackson. Michael đang trên bờ xuống ruộng vì scandal này khiến cho sự nghiệp của ông hoàng nhạc pop bây giờ chỉ loanh quanh trong tòa án. Rõ là MJ không muốn dính vào vụ scandal như vậy.
Ca sĩ Mỹ Tâm. |
Chiêu thức scandal thứ hai được J.Lo, Madonna và Britney sử dụng thành thạo nhất. Còn cái kiểu cố tình mà cứ như vô tình phải kể đến Paris Hilton hay Pamela Anderson.
Với V-pop trong năm qua, showbiz Việt cũng bùng phát scandal và tất nhiên các ca sĩ, người mẫu, diễn viên đều nhấn mạnh là họ không "cố tình". Khởi đầu là "tai nạn underwear" Quách Thành Doanh, rồi "ai muốn có con tôi cho có con" của Lâm Hùng, tình ái lằng nhằng của Tô Huân Vũ, vụ đánh người của Ưng Hoàng Phúc. Đỉnh điểm nhất là series ảnh Hồng Nhung và gần đây nhất là tình yêu Quang Dũng - Thanh Thảo.
Sau scandal, Quách Thành Doanh được khán giả biết đến nhiều hơn nhưng chỉ được một thời gian lại về mo. Hồng Nhung, Lâm Hùng cũng vậy, cát-xê cao ngút trời nhưng bây giờ màn cũng đã hạ. Chuyện Quang Dũng-Thanh Thảo dân tình đã chán không muốn bàn tán nên cũng chẳng xi nhê gì nhiều.
Những scandal được coi là vô tình trên đã nhanh chóng tạo dựng tên tuổi cho các thân chủ, đưa họ lên hàng ngôi sao với cát-xê cao chóng mặt. Nhưng nếu xét ra thì đó chỉ là những lần "ăn may" của chính các ca sĩ chứ không phải họ có tài dùng scandal để đánh bóng bản thân. Và tệ hơn, trong lúc tên tuổi đang nóng hổi thì họ lại không biết tận dụng lợi thế này để bùng nổ.
Scandal là vậy, dễ ầm ĩ nhưng cũng dễ quên, dễ chán. Scandal chỉ là cú huých để tạo ra gia tốc ban đầu, vấn đề là phải giữ được vận tốc đó bằng tài năng thực sự, hoặc nếu không có tài năng thì phải biết tạo ra những gia tốc tiếp theo. Nhưng ca sĩ V-pop chưa hề làm được điều này, hoặc nếu có làm thì hiệu quả rất yếu bởi ăn tham và ăn dầy. Cũng may là khán giả V-biz dù ngồi lê đôi mách lắm nhưng khá hiền và hay "bỏ qua".
Theo SVVN, năm qua album liveshow cũng bùng nổ ào ạt như sóng thần vậy. Đầu tiên nói về album, không chỉ còn duy nhất tầng lớp ca sĩ biết ra album mà thêm vào đó là album của nhạc sĩ (Cánh cung của Đỗ Bảo, Những chuyện kể của Quốc Bảo...).
Không chỉ người đã có tiếng mới ra album mà ngay cả ca sĩ vườn, ca sĩ tự phong cũng ra ầm ĩ (Nguyễn Cô Đơn, Việt Lãm...) khiến cho thị trường album năm nay lòe loẹt hơn. Tuy nhiên, chỉ có một số ít các album được đánh giá cao như Khu vườn yên tĩnh của Hồng Nhung, Giấc mơ có thật của Lệ Quyên, Chạy trốn của Tùng Dương...
Việc ra album là kế hoạch cực kỳ quan trọng và cần thiết trong lăng xê, và nhất là nó cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ thời điểm phát hành, định hướng âm nhạc, êkip thực hiện và chiêu thức quảng cáo... chứ không chỉ đủ lực, đủ sức hay "thích thì ra album" như nhiều ca sĩ V-biz đang làm lúc này.
Đi liền với album là liveshow. Với những nền showbiz phát triển, ca sĩ dùng liveshow để khẳng định thành quả lao động của mình sau một thời gian miệt mài chạy đua. Người ta chỉ làm liveshow khi ca sĩ đạt được mức đỉnh điểm trong nghề nghiệp hay có những giai đoạn cần phải làm để tạo cột mốc dựng tên tuổi.
Nhưng ở V-biz, người ta sử dụng liveshow để để chạy thi với thị trường, để khán giả biết mình là ai. Nhưng "ở đời phải biết mình là ai", chẳng ai bỏ tiền đi xem liveshow của ca sĩ vô danh tiểu tốt. Nhiều ca sĩ bỏ tiền làm liveshow rồi cuối cùng mất công, mất sức, hao tiền và kết quả cũng chẳng được gì.
Có thể nói trên thế giới, việc phân luồng dòng nhạc và phong cách được quan tâm ngay từ lúc ca sĩ lựa chọn hãng ghi âm cho mình và ngược lại.
Ví dụ Motown không bao giờ đào tạo boyband kiểu Westlife, còn Britney lúc khởi nghiệp kiểu Poppy thì sẽ không bao giờ vào một hãng đĩa chuyên làm nhạc rock. Nhưng với showbiz Việt thì cái sự phân luồng này chẳng khác gì giao thông Việt nam. Ca sĩ thường chạy xô theo trào lưu mà đôi khi quên mất mình khó lòng thích hợp với âm nhạc và phong cách đó. Dễ nhất thấy là trào lưu Hip Hop vừa rồi. Có những người có giọng hát nhòe nhoẹt lại cứ đòi ngân nga kiểu Beyonce hay Usher, nghe phát phì cười.
Tùng Dương từng thẳn thắn rằng anh sẽ trung thành với dòng nhạc Jazz bởi đó thực chất là điểm nhấn của anh. Hay trước đây, khi mới bước vào nghề chẳng ai chú ý đến Mỹ Tâm trong bộ váy dài, thể hiện như một người hát dòng nhạc trữ tình vậy. Nhưng sau này Mỹ Tâm trẻ trung, sôi động, cô nhanh chóng trở thành ngôi sao thị trường số 1 hiện nay.
Có lẽ thay vì mắng mỏ ca sĩ đang "đánh bóng" quá nhiều, chúng ta nên chuyển sang mắng họ "đánh bóng" không đúng cách. Hãy nhớ rằng công nghệ lăng xê là cần thiết cho một nền showbiz phát triển, cũng giống như tác dụng của quảng cáo với thị trường tiêu dùng.