![]() |
Một số chai rượu giả thu được tại "lò" của Bùi Thanh Vân. |
Theo đánh giá của các “chuyên gia” trong lĩnh vực kinh doanh rượu “Tây” thì hiện nay, về số lượng tiêu thụ tại TP HCM với khoảng 100.000 chai các loại mỗi tháng. 3/4 rượu này được bán tại các nhà hàng, vũ trường. Số còn lại người ta mua về uống lẻ, hoặc biếu xén. Rượu giả còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành khác. Các nhãn hiệu đang được ưa chuộng là Johnie Walker xanh, vàng (dân nhậu gọi tắt là Giôn xanh, Giôn vàng), Hennessy XO, Rémy Martin, Gordon Bleu, Chivas. Một dạo, có phong trào uống Smirnov (rượu trắng của Nga) pha với mật gấu, nhưng đến nay hầu như chẳng còn ai xài.
Nắm bắt thị trường béo bở ấy, nhất là vào dịp cuối năm, các “lò” làm rượu giả ráo riết hoạt động. Rượu “Tây” giả có 2 loại. Một là giả 100%. Tại một số điểm bán rượu trong TP HCM, khi bạn đi mua rượu “Tây”, và nếu bạn đồng ý đựng rượu trong bịch nylon đem về (cam đoan là rượu thật), thì bạn sẽ được người bán bớt cho từ 50 đến 200 nghìn đồng tùy theo bạn mua rượu gì.
Công đoạn rút rượu ra rất nhẹ nhàng: Người bán dùng một cái khoan, đường kính mũi khoan chỉ lớn hơn sợi tóc một chút, đầu mũi bằng kim cương. Phía dưới đáy chai, nhà sản xuất thường đúc nổi những dòng chữ, hoặc số, để biểu thị ngày đóng chai. Khi đó, mũi khoan sẽ được đưa vào chính giữa tam giác của chữ A, hoặc trong vòng tròn của con số O chẳng hạn. Một xilanh lớn có gắn kim tiêm được cho vào cái lỗ vừa khoan, rồi rút rượu ra. Sau đó, rượu giả được bơm vào rồi với một giọt keo époxy, cái lỗ khoan hoàn toàn bị bít kín. Keo époxy khi khô có màu trắng trong, rất giống với màu thủy tinh nên người mua rất khó phát hiện. Những chiếc vỏ chai còn “nguyên đai nguyên kiện” ấy, sẽ được các “lò” làm rượu giả cử người đến thu mua.
Tuy nhiên, làm cách này thì không thể sản xuất đại trà được vì đâu phải ai mua rượu cũng đồng ý cho rượu vào bịch nylon. Còn đặt làm thì các lò thủy tinh thủ công hiện nay, không đủ khả năng để tạo ra loại vỏ chai có độ trong suốt tuyệt đối, nhất là độ cong giữa thân chai và cổ chai lại không đồng đều. Bên cạnh đó, nhiều loại rượu lại được nhà sản xuất đựng trong chai có hình dáng rất cầu kỳ, khó làm giả. Nếu đặt làm ở những nhà máy có công nghệ cao ắt sẽ lộ ngay.
Vì thế, nguồn cung cấp chai cho các “lò” rượu giả tại TP HCM hiện nay chủ yếu ở các vũ trường, các nhà hàng. Mà vũ trường, nhà hàng thì khi bán, người ta mở, làm rách vòng bảo hiểm nên các “lò” kiêm luôn việc sản xuất nắp chai. Chỉ cần một cái máy ép bằng tay, với bộ khuôn và nhôm cán mỏng, sơn nhũ vàng hoặc xanh, hoặc đen, tùy theo loại rượu, một người thợ tay ngang cũng có thể cho ra cả trăm “sản phẩm” mỗi ngày. Rượu vô chai xong, nắp chai được đặt trong một chiếc khuôn, luôn duy trì nhiệt độ ở khoảng 70 độ.
Một “chuyên gia” làm rượu giả, nay đã giải nghệ cho biết: “Nhôm nóng thì nó dãn nở. Khi chụp nắp vào chai, họ nhúng cổ chai trong nước lạnh. Nhiệt độ thay đổi đột ngột, nhôm co lại, ôm sát miệng chai. Với những loại rượu có nắp bằng chì thì còn dễ hơn nữa...”.
Loại rượu Tây giả thứ 2 là giả 50%, thậm chí 70%. Cũng với cách làm như trên, các “lò” rút ra 50% rượu thật, rồi pha 50% rượu giả vào. Đi mua rượu mà mua nguyên cặp, lại nghe người bán hỏi: “Mua về biếu hả?”, thì lắm khi mua nhầm rượu giả là cái chắc. Một số vũ trường là khách hàng thường xuyên của loại rượu “giả 50%, 70%” ấy. Khi khách đã bắt đầu ngà ngà, và gọi thêm rượu thì họ sẽ đem rượu giả ra. Lúc đó, vị giác đã bị rượu làm mất đi sự tinh tế sành điệu, nên hầu như chẳng ai phân biệt được cái thứ mà mình đang uống, chỉ đáng giá vài trăm nghìn đồng thay vì cả triệu bạc, chưa kể lượng aldéhyde trong rượu giả thường rất cao, uống vào nếu không ngộ độc thì cũng nhức đầu như búa bổ.
Mới đây Công an TP HCM đã tiến hành bắt giữ hai “lò” rượu giả của hai anh em Bùi Thanh Vân và Bùi Thanh Khương tại nhà riêng trên đường Trục, phường 13, quận Bình Thạnh. Tại hiện trường, Lực lượng Công an TP HCM đã thu giữ 23 chiếc can nhựa loại 20 lít, bên trong đựng “nguyên liệu” cùng khá nhiều vỏ chai, vỏ hộp, nắp chai, tem nhãn cùng hàng nghìn chai "thành phẩm", mang nhãn hiệu Hennessy, Rémy Martin, Chivas. Những chai rượu này khi tung ra thị trường, sẽ có giá từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/chai.
Vụ làm rượu giả bị phát hiện vào lúc 14h ngày 24/11, khi Lực lượng Công an TP HCM bắt quả tang Trần Ngọc Đào, vợ của Bùi Thanh Vân, dùng ôtô đi giao rượu giả cho một người ở quận 1. Ngày 25, lệnh khám xét khẩn cấp nhà của vợ chồng Vân - Đào được thi hành.
“Lò” rượu “Tây” giả của anh em Vân, Khương đã hoạt động gần 1 năm nay. Mỗi lần lấy hàng đi giao, Bùi Thanh Vân cho ôtô chạy thẳng vào trong nhà, rồi kéo cửa xuống để tránh sự nhòm ngó của hàng xóm. Địa điểm giao hàng được Vân chọn là những nơi vắng vẻ. Người nhận hàng chạy xe gắn máy đến, nhận 1-2 thùng rồi... biến nhanh đến các điểm bán lẻ. Bình quân, mỗi ngày “lò” của Bùi Thanh Vân cho ra khoảng 30 chai, một phần tiêu thụ tại TP HCM, một phần đưa đi các tỉnh, thành khác.
Việc khám xét kéo dài đến gần 19h. Sau đó, hai anh em Bùi Thanh Vân, Bùi Thanh Khương lên xe vào trại tạm giam. Một cán bộ Cơ quan Cảnh sát Điều tra cho biết, đây là tổ chức sản xuất rượu “Tây” giả lớn nhất, quy mô nhất, tinh vi nhất từ 5 năm trở lại đây bị phát hiện và triệt phá.
Theo ông Tư Ri, Đội trưởng Đội Chống hàng giả, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM, cứ đến cuối năm, không riêng gì rượu, mà nhiều mặt hàng khác cũng được làm giả để tung ra thị trường. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM đã phát hiện và bắt giữ 1 vụ giả rượu Cognac, thu 14.000 chai các loại.
(Theo Công An Nhân Dân)