Kỳ nghỉ hè ở nước Anh sắp kết thúc, Hoàng tử George cùng Công chúa Charlotte dự kiến trở lại lớp học tuần này. Cả hai đều theo học tại trường Thomas's Battersea ở phía nam London. Năm nay, George lên lớp 4 còn Charlotte vào lớp 2.
Bất chấp thân phận hoàng gia, những người thân cận cho biết hai đứa trẻ nhà Cambridge được đối xử giống như những học sinh khác ngay khi bước qua cổng trường. Đây là điều mà vợ chồng Kate và William hoàn toàn ủng hộ. Họ được cho là rất muốn con cái có một tuổi thơ "bình thường" nhất có thể. Vì vậy, ở trường, Charlotte cũng có một tên khác bình thường như bao bạn đồng niên.
Tên đầy đủ của cô bé là Charlotte Elizabeth Diana và tước hiệu chính thức là Công chúa hoàng gia Charlotte của Cambridge. Cả hai tên đều hơi dài và trịnh trọng nên trẻ em và giáo viên ở trường không sử dụng chúng để gọi Charlotte.
Cô bé theo chân của anh trai và các thành viên khác trong gia đình, sử dụng tước hiệu của cha mẹ làm họ. Như thế, con gái của vợ chồng Kate được biết đến với tên Charlotte Cambridge ở trường. Tương tự, George là George Alexander Louis, Hoàng tử George của Hoàng gia Anh nhưng tên ở trường là George Cambridge.
Cha và chú của họ là Hoàng tử William và Hoàng tử Harry cũng sử dụng cùng một cách đặt tên này, lấy tước hiệu của Thái tử Charles - Thân vương xứ Wales - làm họ. Không chỉ ở trường, cả William và Harry đều sử dụng tên William Wales và Harry Wales suốt thời gian quân ngũ.
Tuy nhiên, Charlotte Cambridge không phải cái tên duy nhất được gọi cho cô con gái cưng của nhà Cambridge. Trong một video gia đình hiếm hoi, biệt danh khác của cô bé được tiết lộ khi Hoàng tử William và Kate Middleton cùng các con tham gia ở triển lãm hoa Royal Chelsea năm 2019. Kate đã giúp thiết kế một khu vườn cho buổi triển lãm và đưa George, Charlotte cùng Louis tới xem. Khi đang chơi xích đu trong vườn, William gọi con gái mình và nhờ cô bé đẩy xích đu. Thay vì gọi "Charlotte", hoàng tử đã gọi là "Mignonette". Trong tiếng Pháp, cái tên này có nghĩa nhỏ bé, ngọt ngào và tinh tế hoặc dễ thương. Các từ điển cũ hơn của Pháp cũng ghi rằng từ đó còn có nghĩa là dịu dàng và tốt bụng.
Tùng Anh (Theo Mirror)