Sự kiện này xảy ra vào ngày 28/7. Ba công nhân bị thu gom là Kiều Doãn Hiếu, Kiều Duy Cường và Kiều Tràng Tuyên quê ở Xen Chiểu, Phúc Thọ, Hà Tây. Hai người khác đã may mắn "thoát nạn" là Nguyễn Ngọc Thắng và Kiều Doãn Dũng cho biết: "Khi chúng tôi đi bộ từ đường Nguyễn Trãi đến Thái Thịnh chờ xe buýt thì đột nhiên thấy một xe cảnh sát ập đến, vài người nhảy xuống. Ba anh Cường, Hiếu, Tuyên bị đưa lên xe. Tôi và anh Dũng đi ở phía sau mua thuốc lá nên không bị bắt".
Không biết tìm công nhân của mình ở đâu và bị bắt vì chuyện gì, tổ trưởng tổ xây dựng Kiều Mạnh Tràng đã đi khắp nơi hỏi han. Trong khi đó tại quê nhà, người thân của 3 công nhân cũng đang náo loạn vì sự mất tích này.
Theo Nông Thôn Ngày Nay, mãi đến hôm sau, Công ty Đầu tư xây lắp và phát triển nhà mới biết công nhân của mình bị đưa sang Đông Anh như những người lang thang khác. Mặc dù lãnh đạo công ty đứng ra bảo lãnh và xin cho về, nhưng trung tâm không đồng ý và cho biết sau 15 ngày mới thả ra. Bức xúc với cách làm việc tùy tiện của công an phường Láng Hạ, anh Lê Vũ Dũng, chỉ huy trưởng công trình cho biết: "Tất cả các công nhân đều có hợp đồng lao động và được công an phường Thanh Xuân Bắc cho tạm trú. Việc họ bị bắt là oan".
Tuy nhiên, Trưởng công an phường Láng Hạ Cáp Văn Thành cho rằng việc bắt ba công nhân đưa sang Trung tâm bảo trợ xã hội là đúng. "Chỉ có bắt gái mại dâm, nghiện hút mới phải xác minh, người lang thang thì cần gì", ông Thành nói.
Chiều 5/8, trao đổi với báo chí, ba công nhân Cường, Hiếu, Tuyên tâm sự, ngay khi bị bắt họ đã yêu cầu được gọi điện thoại về công ty để chứng minh là người lao động chờ việc, nhưng đề nghị này đã bị công phường Láng Hạ từ chối. Theo anh Hiếu, trong những ngày bị tập trung tại đây, họ được ăn uống đầy đủ nhưng rất hoang mang và lo lắng.
Trưởng phòng bảo trợ xã hội, Sở Lao động thương binh và xã hội Phan Thị Tằng, cho rằng, nếu là bắt nhầm công ty chủ quản của ba công nhân này cần mang hợp đồng lao động, giấy tạm trú tạm vắng và các hồ sơ liên quan để Sở xin trả lại.