Đỗ Mạnh Cường đưa con trai đi nhận lớp
NTK Đỗ Mạnh Cường cho biết con trai anh háo hức suốt dọc đường đến trường nhưng lúc sắp phải tạm biệt bố để ngồi vào hàng cùng các bạn thì òa khóc. Anh phải dỗ dành, khen con ngoan và biết đếm từ 1 đến 200 thì bé mới hợp tác cùng cô giáo. "Nhím nhút nhát lúc ban đầu nhưng nhanh chóng hòa nhập", anh bảo. Sau đó NTK đứng một góc để quan sát con nghe cô giáo phổ biến lịch học, các thông tin trước thềm buổi khai giảng hôm 5/9.
Năm nay, Đỗ Mạnh Cường chọn một trường công lập cho các con học thay vì trường quốc tế song ngữ như trước đó. "Trong một năm Tít và Nhím học trường quốc tế, tôi thấy kỹ năng đọc và viết tiếng Việt của con chưa ổn mà tiếng Anh cũng không tốt. Có lẽ vì bé học với bạn là người nước ngoài nên khó tiếp thu. Năm nay tôi chuyển con sang trường công. Đây là ngôi trường đào tạo rất nhiều học sinh giỏi. Nhím vào lớp 1 còn Tít lẽ ra lên lớp 2 nhưng kiến thức chưa vững nên tôi cho con học lại lớp 1", anh bảo. NTK để hai con học chung trường cho tiện đưa đón nhưng tách lớp vì lo lắng các bé sẽ... hợp sức quậy.
Trước đó, bé Nhím được học chương trình chuẩn bị vào lớp 1. Giáo viên nhận xét bé khá môn Toán, nhạy bén với các con số còn bé Tít đã đọc, viết tốt. Sau khai giảng, hai bé sẽ đi học 5 buổi mỗi tuần từ 7h30 đến 16h. NTK Đỗ Mạnh Cường và bạn thân của anh là doanh nhân Huy Cận thay phiên đưa đón hai bé theo lịch của mỗi người.
Trường có giáo viên bản xứ dạy tiếng Anh nên ông bố đông con không cần lên kế hoạch cho con học thêm ngoại ngữ mà đầu tư vào năng khiếu nghệ thuật. Anh dự kiến bồi dưỡng khả năng diễn xuất, nhảy và hát của bé Nhím còn Tít thì khuyến khích học vẽ, bơi lội. Cũng hôm 5/9, bé Linh Đan, 4 tuổi, sẽ đi học mẫu giáo ở một trường tại quận 1. NTK hình dung ra một ngày tất bật khi buổi sáng lần lượt đưa các con đến trường rồi xử lý công việc, buối chiều lại có mặt đúng giờ để đón về.

Nhím (trái) và Tít được bố đưa đi tập trung.
Nhím, Tít và Linh Đan là ba trong số 6 đứa trẻ được NTK Đỗ Mạnh Cường nhận làm con nuôi kể từ năm 2014 tới nay. Trở thành ông bố đông con, Đỗ Mạnh Cường dần thay đổi thói quen chi tiêu để xây dựng nền tảng tài chính vững vàng nhằm chăm sóc giáo dục tốt nhất cho các bé. Ban đầu, anh để con học trường quốc tế với mức học phí đắt đỏ nhưng các bé không phù hợp nên chuyển hướng để con học trường công. Trong tương lai, khi các bé có kiến thức chắc chắn hơn, anh sẽ chuyển con trở lại trường song ngữ để bé tiếp xúc môi trường tiếng Anh và giao lưu bạn bè nước ngoài nhằm phát triển toàn diện.
Lam Trà