>> Cô con nuôi của người đàn bà nghìn tỷ
>> Người phụ nữ đột tử, để lại 1.000 tỷ đồng không di chúc
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã trả lại cho cô này hơn 20 sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm tỷ đồng theo đúng trình tự pháp luật về di sản thừa kế, dưới sự chứng khiến của công chứng viên.
Ông Phan Huy Khang, Quyền Tổng giám đốc Sacombank khẳng định, ngân hàng làm đúng quy định của pháp luật.
Nói thêm về quy trình giải quyết với những trường hợp tương tự, nguồn tin từ Sacombank cho biết, thông thường khi đến hạn, nhà băng sẽ mời các bên liên quan thỏa thuận. Trường hợp người em (của người quá cố) muốn gia hạn gửi, trong khi con gái nuôi (người được thừa hưởng khối tài sản theo luật) không đồng ý tiếp tục thì nhà băng sẽ đưa ra một thời gian nhất định (2 hoặc 3 ngày) để các bên thỏa thuận. Sau thời gian này, nếu em trai và gia tộc không thể xuất trình được di chúc hay tài liệu hợp pháp chứng minh tài sản thuộc về mình, toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người con gái nuôi.
Cụ thể, ngân hàng buộc phải chấm dứt hợp đồng và trả lại tài sản đã giữ cho bên đồng ý thanh lý hợp đồng là người con gái nuôi. "Nếu cả hai bên không nhận, ngân hàng sẽ giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo quản tài sản", nguồn tin này nói.
![]() |
Sau khi bà Phấn qua đời, người thân và cô con gái nuôi của bà không cùng chung quan điểm về cách giải quyết khối tài sản nghìn tỷ bà Phấn để lại. |
Trưởng văn phòng luật sư Người nghèo - Trịnh Thanh cho biết, do bà Phấn chết không để lại di chúc, lại chỉ có một người con nuôi duy nhất trong khi những người ở hàng thừa kế thứ nhất khác (chồng, bố mẹ hay các con) đều không có nên cô này đương nhiên được hưởng những di sản của mẹ để lại.
Đối với những người thuộc hàng thừa kế thứ 2, hoặc không thuộc hàng thừa kế nào nhưng có công sức đóng góp, hùn vốn trong khối tài sản đó và có chứng cứ chứng minh được sự đóng góp thì tòa án sẽ xem xét giải quyết theo chứng cứ đó. Khi ấy, những tài sản mà họ chứng minh được sẽ không được xem là di sản của người quá cố. Điều đó có nghĩa là người con nuôi của bà Phấn không được thừa kế tài sản này.
"Trong các tranh chấp về thừa kế hay bất động sản, pháp luật luôn dành quyền để các bên tự thương lượng, hòa giải với nhau. Nếu hòa giải thành thì biên bản hòa giải sẽ là cơ sở để các bên làm thủ tục khai nhận di sản theo quy định của pháp luật và sang tên trên giấy chứng nhận đối với tài sản", luật sư Thanh nói.
Trước đó, việc bà Phấn qua đời để lại khối tài sản khổng lồ mà không có di chúc đã gây ra sự tranh chấp giữa anh em của người phụ nữ này với người con gái nuôi của bà.
Con nuôi bà Phấn bị cha mẹ bỏ rơi ở Bệnh viện Hùng Vương và hai ngày sau được bà Phấn xin về nuôi, lo cho ăn học. Năm nay, cô bé đã 25 tuổi, hiền lành và rất kín tiếng. Một người làm bảo vệ lâu năm ở nhà bà Phấn cho biết, cô sống biết điều, hơn 20 năm ở đây không mất lòng người lớn bao giờ. Học xong lớp 11, bà Phấn lo cho con đi du học ở Đức theo diện tự túc. Cô bé dự định sẽ học đại học ở nước ngoài 6 năm sau đó lấy bằng thạc sĩ rồi mới về nước. Hiện cô mới học xong năm thứ ba.
![]() |
Một trong những khu đất thuộc tài sản của bà Phấn để lại được dùng làm kho bãi cho thuê. |
Cô con nuôi cùng với ông Phan (em trai bà Phấn) thống nhất ký gửi tài sản trong két sắt tại Sacombank thời hạn đến cuối tháng 3/2012. Khi hết hạn ký gửi, cô này muốn rút số tài sản này về nhưng ông Phan không đồng ý vì cho rằng đang còn tranh chấp, ông muốn gia hạn ký gửi để đợi hai người anh em ở Đức về giải quyết.
Một nguồn tin từ Sacombank cho biết, thông thường, khi đến hạn, nhà băng sẽ mời các bên liên quan lên thỏa thuận. Trường hợp người em (của người quá cố) muốn gia hạn việc thuê ngăn tủ tại ngân hàng, trong khi con gái nuôi (người được thừa hưởng khối tài sản) không đồng ý và muốn thanh lý hợp đồng, nhà băng sẽ đưa ra thời gian nhất định chẳng hạn 2,3 ngày... để các bên tiếp tục thỏa thuận. Sau đó, nếu người em trai và gia tộc không thể xuất trình được di chúc hay tài liệu hợp pháp chứng minh tài sản thuộc về mình thì toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của con gái nuôi.
Lúc này, nếu các bên vẫn không thể thống nhất ý kiến, ngân hàng buộc phải chấm dứt hợp đồng và trả lại tài sản đã giữ cho bên đồng ý thanh lý hợp đồng là người con gái nuôi. "Nếu cả hai bên không nhận, ngân hàng sẽ giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo quản tài sản", nguồn tin này nói.
Tùng Dương