Một cửa hiệu mỹ phẩm Cartier ở Thượng Hải. |
Jin Yijun thề rằng cô cảm thấy tuổi tác đã tan biến hết. Vắt vẻo trên chiếc ghế cao trong cửa hàng mỹ phẩm La Mer mới mở tại toà nhà Scitech (một nơi đắt giá ở Bắc Kinh), Jin Yijun (31 tuổi), làm việc cho một văn phòng đại diện của một công ty Hong Kong đang thích thú cảm nhận lần đầu tiên được loại kem dưỡng da đắt tiền Crème de la Mer đang mướt vào da thịt.
Cô bán hàng, kiêm nhân viên chăm sóc sắc đẹp, tươi cười chấm nhè nhẹ miếng bọt biển chứa chừng một thìa "serum", một thứ dầu dưỡng da đặc biệt, lên phía dưới mắt của Jin, rồi massge cho đến khi chỗ dầu đó biến mất.
"Tôi cảm nhận được sự săn chắc lại", Jin nói và ẵm ngay một lọ Crème de la Mer cùng một chai Serum de la Mer. Tổng "thiệt hại": 683 USD, hơn một nửa thu nhập cả tháng của Jin.
Jin và những đồng sự thèm khát "bôi quệt" như cô vẫn còn là số ít tại đất nước mà trong nhiều thập kỷ, chị em ai cũng ăn mặc giống ai vì nếu khác người thì sẽ bị chỉ trích, thậm chí bị đám đông phỉ nhổ.
Hơn hai thập kỷ sau cải cách kinh tế, vẫn chỉ có khoảng 7% trong số 1,3 tỷ dân Trung Quốc mua mỹ phẩm. Nhưng báo cáo gần đây của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, doanh số của mỹ phẩm và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp ở Trung Quốc đã tăng vọt từ 24 triệu USD năm 1982 lên 21 tỷ USD năm 2005 và có thể tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới.
Mỹ phẩm đã trở thành thị trường tiêu thụ bị nước ngoài chi phối mạnh nhất ở Trung Quốc và mỹ phẩm mang thương hiệu nước ngoài chiếm 90% số lượng bán ra. Trung Quốc, nói như John Demsey, giám đốc Hãng Estée Lauder, "đơn giản là thị trường hốt bạc lớn nhất thế giới hiện nay".
Theo Lao Động, thị trường chăm sóc sắc đẹp Trung Quốc bùng phát đầu những năm 1990, khi những hãng bán trực tiếp như Avon hoặc Mary Kay tiến vào và trúng quả đậm.
Đến nay, Avon đã có gần 6.000 cửa hàng. Cùng lúc, các thương hiệu xịn hơn như Estée Lauder, Clinique hay Lancôme cũng nhanh chóng khuếch trương các cửa hiệu. Lauder hiện có 39 cửa hiệu ở 19 thành phố TQ, và tới tháng 6.2005 sẽ cắt băng thêm 15 cái nữa. L'Oréal đã có 50 cửa hiệu Lancôme và đã sở hữu Maybelline, nhãn hiệu số một trên thị trường mỹ phẩm đại chúng của đại lục.
Như nhiều nước láng giềng châu Á khác, phụ nữ Trung Quốc coi sắc đẹp đồng nghĩa với nước da trắng xanh. Bởi vậy các hãng mỹ phẩm lớn đã phát triển các dòng sản phẩm chăm sóc da cho thị trường châu Á đều khẳng định có thể tạo được loại màu da tự nhiên nhạt nhất, giống như ánh ngọc trắng. Nhưng các thương hiệu toàn cầu cũng biết rằng giá trị của họ là vị thế ngoại quốc.
Aerin Lauder, Phó chủ tịch cao cấp của Hãng Estée Lauder, cháu gái của bà chủ tịch sáng lập công ty, nói, trước mắt chị cũng không có kế hoạch dùng người mẫu Trung Quốc để quảng cáo. "Tôi không muốn xa rời thương hiệu và đi lăng-xê mấy người địa phương, Aerin nói, thương hiệu là thương hiệu". Thật vậy, ở thời điểm này, thương hiệu chính là thứ mà phụ nữ đại lục thích.