Khoảnh khắc xuống tóc tại một ngôi chùa ở Bắc Ninh hôm qua của chị Dương nhận được gần 6.000 like và hơn 290 lượt chia sẻ, sau khi ảnh được đăng trên Facebook kèm những dòng tâm sự xúc động.
Chị Dương cho biết 1/7/2014 là sinh nhật thầy Cương, cũng là ngày gia đình biết tin ông có khối u trong gan. Mọi người trong nhà muốn sụp xuống nhưng ai cũng gắng mạnh mẽ. Chính lúc ấy, thầy Cương lại là người can đảm nhất. Ông truyền cho người thân nội lực và niềm tin. Từ đó, ngày nào chị Dương cũng về chùa Hàm Long ở Bắc Ninh tụng kinh cầu nguyện cho bố. Nhờ vậy, chị thấy an lòng hơn.
"Tôi không bao giờ khẳng định việc này khiến bố qua khỏi nhưng trong kinh dược sư có đoạn 'nếu những hữu tình, bệnh tuy nhẹ mà không thầy, không thuốc, không người trông nom, hay có gặp thầy, lại cho trái thuốc, thực chẳng đáng chết, mà phải chết uổng'. Tôi luôn tin, bố đã may mắn gặp được thầy được thuốc nên tới giờ, người vẫn được bình an", chị Dương viết.
Tuy nhiên mấy ngày qua, thầy Cương ốm, "mất lòng tin, không đi viện hay uống thuốc và bất hợp tác với cả nhà". Con gái ông vẫn lên chùa tụng kinh, xin cho bố không phải chịu đau đớn, khó chịu, và thầm phát nguyện "xuống tóc tạ ơn".
"Hôm qua bố đã ngồi dậy chơi Facebook một lúc. Tôi vội về chùa. Như lời hứa dù Phật không đòi hỏi, tôi xin cụ cho hạ tóc tạ ơn Phật độ", chị Dương cho hay.
Theo chị Dương, hành động của chị "không phải mê tín". Đức tin và mê tín rất gần nhau nên để không sa đà còn phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Chị tin những người như bố mình sẽ luôn được phù hộ. Qua việc cắt đi mái tóc dài, đẹp, chị muốn nói với bố "mọi người cùng chữa bệnh cho ông nhưng bản thân ông không tự cố gắng, tất cả cũng vô ích". Con người không có niềm tin sẽ chẳng làm được gì, vì thế "bố phải có lòng tin để chữa bệnh mới mong khỏe được".
Nuôi được mái tóc dài mất nhiều thời gian nhưng chị Dương muốn bố nhận ra điều tích cực, nếu không, chị sẽ "dần cắt đi những thứ có thể cắt được cho tới khi bố hợp tác thì thôi". Lần đầu trông thấy con gái cắt tóc ngắn như vậy, thầy Cương "ngạc nhiên lắm". Lúc cháu gửi ảnh từ chùa về, thầy nhắn "ông chờ mẹ con về để sờ đầu. Mẹ con để tóc dài xinh hơn". Xuống tóc, chị Dương thấy "khác hẳn" khi ngắm mình trong gương. Chị chưa quen mái tóc này và vẫn đưa tay lên vuốt mãi nhưng vui vì việc mình làm đã có tác dụng.
"Hôm qua về, ông bảo cho bố đi viện, trong khi trước đó nhất định không đi. Tôi ở với bố trong viện và bảo muốn ông sống đến khi tóc tôi dài lại. Ông xoa đầu con gái mãi và hứa sẽ như vậy", chị Dương kể.
Từ nhỏ tới giờ, chị hầu như không nói được lời nào yêu thương với bố. Chính các con đã dạy chị qua việc thể hiện tình yêu với mẹ hàng ngày. Lúc cắt tóc, chị "phát khóc" khi nghĩ về bố, về các con. Hôm đến chùa làm lễ xuống tóc, có chị gái, vợ chồng ca nương Kiểu Anh và con gái chị Dương cùng đi. Các con chị đều không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh này.
"Các con tôi hiểu được việc mẹ làm mới quan trọng. Về mặt nào đó, việc xuống tóc có ý nghĩa giáo dục. Tôi muốn nhắc các cháu, lời hứa không cần nói ra mới cố gắng thực hiện cho bằng được. Chỉ cần tự hứa, dù không ai biết cũng phải thực hiện một cách nghiêm túc", chị Dương chia sẻ.
Bạn bè, người thân ai cũng "choáng" và tiếc mái tóc của chị nhưng cũng bày tỏ sự cảm phục trước tấm lòng của con gái dành cho bố. Chị Dương cho rằng việc mình làm đâu bằng "những gì bố mẹ đã cho con" và nếu có thể, chị sẵn lòng hiến tặng bố "quả thận, lá gan, tụy hay trái tim".
"Những điều con làm, dù nhỏ nhưng xin bố... bố hãy hết sức mình nhé! Chúng ta cùng chiến nhá", chị Dương viết.
Bình Minh