Văn Thùy Dương
Mẹ tôi là người Hà Nội, ông bà ngoại tôi sống ở Hà Nội rất lâu rồi. Mẹ tôi học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (hiện là trường THCS Trương Vương). Hồi đó, nghe kể lại, bà là người nhỏ nhắn xinh xắn lắm, bởi vậy khi bố tôi học Sư Phạm và đi thực tập, người đã để ý đến mẹ tôi ngay. Sau này, mẹ tôi vì yêu bố nên vào học tại ĐH Sư Phạm Vinh.
Là con gái Hà nội, về làm dâu và ở tại Nghệ An - quê chồng, bà không ngại bất cứ việc gì, từ gánh phân, nấu bếp củi, chăm sóc bố mẹ chồng... và đi dạy học. Bà hát hay, nấu ăn ngon... nhưng khi tôi lớn lên, điều đặc biệt mà tôi luôn nhận thấy ở bà là bà chăm sóc chồng đến mức không ai có thể chê bà bất cứ điểm nào.
Lúc bố tắm, bao giờ bà cũng đặt sẵn áo quần để người thay. Có những lần bà quên không lộn phải quần áo thì bố tôi cũng cứ thế mặc, cả nhà lại được dịp cười ngất! Bà chăm sóc từng bữa cơm, là từng cái áo cái quần cho bố tôi... Nhà nghèo nhưng không có bữa cơm không ngon miệng, bà nấu ăn cẩn thận và cơm lúc nào cũng nóng hôi hổi. Chị em tôi đã học được nhiều điều ở bà cho cuộc sống riêng của mình.
Với tôi, bà là người vĩ đại. Ở nơi bà làm việc, bà cũng là người bản lĩnh và có cá tính mạnh mẽ nhưng khi về nhà, chưa bao giờ bà để bố tôi vắng bữa cơm nóng. Cả đời bà, hầu như bà không bao giờ bỏ bố tôi ở nhà để đi chơi xa, đi lâu ngày. Bà luôn lo bố tôi không có ai chăm sóc. Chưa bao giờ bà viết một bài báo nhưng bà là người chăm sóc bố tôi, để bố tôi có điều kiện cống hiến, có điều kiện viết nhiều bài báo, làm nhiều việc tích cực cho xã hội. Ngày bé, nhớ lại... tôi cũng thấy nhiều lần, bố tôi về đến nhà và... chỉ có ăn với nằm nghỉ, nhưng chưa một lần tôi thấy mẹ càu nhàu bởi bà hiểu, ở ngoài kia ông cũng đã rất vất vả rồi!
Khi bố tôi đi công tác nước ngoài, bố chỉ mang về một vali sách trong khi ở nhà mẹ vất vả vô cùng để chăm sóc chúng tôi. Mẹ từng bán máu để nuôi chúng tôi... lúc khó khăn nhất cuộc đời bà. Vậy mà những lúc như thế, đôi khi tôi cũng chỉ thấy bà so sánh: "Người ta đi công tác mua bao nhiêu xe máy... anh chẳng mua được gì". Đến bây giờ, có hôm tự nhiên bố tôi tâm sự, đại loại "ngày xưa bố đi nước ngoài chẳng hiểu sao chẳng bao giờ nghĩ đến việc mua thứ gì về để cho nhà đỡ khó khăn, bố cứ nghĩ mẹ không cần...", rồi người cười hiền hậu. Mẹ tần tảo và vất vả nhưng khi bố tôi đi làm về đến nhà, chưa bao giờ tôi thấy mẹ thiếu đi cử chỉ yêu thương chăm sóc bố. Bố làm gì mẹ cũng giành lấy để làm cho bố đỡ mệt.
Có nhiều người đàn ông về nhà chỉ tắm, ăn và ngủ nhưng họ vẫn đầy yêu thương, trách nhiệm và người phụ nữ của họ luôn hài lòng khi thấy họ ngon miệng với bữa ăn mà cô ấy nấu, ngồi và nói chuyện với cô ấy khi cô ấy rửa bát. Cuối cùng vẫn là cách chúng ta đòi hỏi, chúng ta cần...Bây giờ, thời đại tân tiến, có lẽ một số cô gái tân tiến sẽ cho rằng những người cúc cung tận tụy phục vụ chồng con là dại. Một vài cô sẽ cho rằng là phụ nữ thời đại mới thì làm sao để đàn ông về nhà phải biết làm việc, phải biết rửa bát, quét nhà... làm nhiều việc khác nữa ngoài việc ăn, tắm và ngủ... Quan điểm của tôi là đừng nên bắt. Tất cả đều chỉ nên bắt nguồn từ tình yêu. Có tình yêu thì có sự chia sẻ, có sự giúp đỡ.
Dù tôi là phụ nữ đơn thân nhưng tôi vẫn tôn trọng đàn ông. Dù ngày xưa chồng tôi nhiều khi về nhà cũng chỉ ăn và ngủ, thậm chí còn không tắm nhưng tôi chẳng bao giờ coi anh ý là lợn vì đơn giản tôi không muốn mình biến thành một con lợn bởi chỉ có con lợn mới ngủ với một con lợn mà thôi. Trong cuộc đời, muốn người khác nghĩ và đối xử với mình thế nào thì mình trước hết nên đối xử với họ như thế.
Thật ra, đọc đi đọc lại, thấy cô Trang Hạ đang muốn nói một vấn đề là đàn ông nên có trách nhiệm và nên chia sẻ khó nhọc với vợ, chắc chỉ có ý đó mà thôi. Nhưng câu chữ cô ý phát ngôn thì quá... mạnh, phản tác dụng, gây sốc nên mất đi ý nghĩa giáo dục.
Về phía tôi đánh giá, mẹ tôi là người phụ nữ giỏi giang và vĩ đại. Chính bà, bà đã góp phần không nhỏ để một người đàn ông như bố tôi có thể cống hiến được nhiều cho xã hội. Có bà, chắc chắn bố tôi cống hiến nhiều hơn nhiều lần so với khi mà ông phải về nhà và lăn vào bếp, rửa rau vo gạo, giặt giũ và rửa bát... Bù lại, mẹ tôi, dù phải vất vả nhưng bà hạnh phúc vì bà được hãnh diện về bố tôi, được thấy trong phần thành công của ông luôn có bóng dáng bà, bà hạnh phúc chăm sóc ông bởi vì bà yêu ông...rất nhiều. Trong đời, chưa bao giờ tôi thấy bà thiếu tôn trọng người mà suốt bao năm bà luôn luôn phục vụ. Cái đó cũng là văn hoá.
Cũng muốn thông cảm với điều mà Trang Hạ định nói nhưng lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Cũng buồn cho xã hội hiện nay, nhiều người cống hiến, cống hiến thật sự và được ghi danh, còn lại một số muốn nổi danh thì dùng cách gây scandal và cho ra những phát ngôn gây sốc.
Người phụ nữ khi yêu thật lòng không bao giờ đòi hỏi và luôn dành phần vất vả cho mình. Người phụ nữ khi yêu thật lòng bao giờ cũng muốn chăm sóc người mình yêu thương chu đáo nhất, luôn muốn dành cho họ những ưu đãi đặc biệt nhất. Phải chăng đó là sự lỗi thời? Hồi sống cùng chồng, tôi chẳng bao giờ bắt anh ý làm việc nhà, anh ý về nhà chỉ ăn cơm tôi nấu, chỉ tắm và nghỉ ngơi. Anh luôn coi nhà là nơi có thể dang chân dang tay sau mỗi lúc mệt mỏi, bởi vậy anh luôn tranh thủ hưởng thụ mỗi khi về nhà. Anh ý thế thật nhưng chưa bao giờ tôi nhìn anh và thấy anh giống một con lợn chứ chưa nói đến việc nghĩ anh là con lợn. Nói tóm lại, tất cả chỉ là quan điểm!
Vài nét về tác giả:
Chị Văn Thùy Dương là con gái PGS-TS Văn Như Cương, một nhà giáo được nhiều người biết đến và yêu quý.