Công an huyện Sa Pa (Lào Cai) đang điều tra vụ tai nạn khiến một nam sinh đi xe máy tử vong, gia đình nạn nhân cùng người dân địa phương cản trở công an khám nghiệm, đòi hai tài xế ôtô hỗ trợ 400 triệu đồng.
Nhà chức trách xác định, trưa 1/3, Hạng A Câu (16 tuổi) đi xe máy trên quốc lộ 4D qua thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa đã va quệt giao thông với ôtô mang biển Lào Cai và ngã ra đường. Một ôtô biển Hà Nội không kịp phanh đã chèn qua khiến Câu tử vong.
Sau tai nạn, người nhà nạn nhân và người dân địa phương đổ ra hiện trường đòi tài xế ôtô mang biển Lào Cai phải bồi thường 400 triệu đồng thì cơ quan chức năng mới được khám nghiệm. Vụ việc gây ùn tắc giao thông nhiều giờ trên Quốc lộ 4D.
Trước yêu cầu này, các bên liên quan đã tạm ứng 200 triệu đồng để cảnh sát vào khám nghiệm hiện trường, giải tỏa ùn tắc.
Sau một tuần, Công an huyện Sa Pa kết luận, tai nạn xảy ra do Câu vượt sai quy định, đi lấn làn, lái xe máy khi chưa đủ tuổi.
Ngày 12/3, ông Trần Ngọc Sơn (Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai) cho biết kết luận xác định hai tài xế ôtô có đầy đủ giấy tờ, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ nên không phải chịu trách nhiệm về cái chết của Câu.
Theo ông Sơn, trong cuộc họp vào chiều 11/3, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu Công an huyện Sapa làm rõ việc người nhà Câu gây sức ép bắt các tài xế đưa tiền. Tỉnh đề nghị, nếu có dấu hiệu ép, cưỡng đoạt tài sản của tài xế ôtô, công an phải xử lý theo quy định và yêu cầu bồi hoàn lại số tiền đã nhận.
Một số chuyên gia luật cho rằng việc người thân và người dân tập trung tại nơi công cộng, để thi thể nạn nhân ở giữa lòng đường, không cho cơ quan chức năng vào khám nghiệm, gây ùn tắc giao thông là có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng, theo điều 318 Bộ luật hình sự. Việc gây sức ép, đòi tài xế ôtô bồi thường số tiền lớn trong khi không có quyết định nào của cơ quan chức năng cũng thể hiện dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.