Một cò “cơm” đang đợi thời cơ mồi chài du khách. |
9h chủ nhật, khi chiếc xe du lịch 15 chỗ vừa dừng lại trước một bãi tắm trên đường Thùy Vân, và khi cánh cửa vừa mở ra thì ngay lập tức, xuất hiện 2 thanh niên đi trên chiếc Dream II. Họ giúi tận tay từng người những tờ bướm quảng cáo cho tiệm ăn X nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, kèm theo lời tiếp thị... có cánh.
Khi tìm đến quán X, một quán ăn nhếch nhác, thì với cái giá “cơm phần 20 nghìn, cơm đĩa 12 nghìn” ghi trên tờ bướm, theo lời cô nhân viên phục vụ: “Chỉ áp dụng cho khách đi đoàn từ 30 người trở lên”.
Nhìn vào bảng thực đơn, tất cả các loại hải sản như tôm tích, hải sâm, bào ngư, cá mặt quỷ, cua huỳnh đế đều không ghi giá tiền cụ thể, mà chỉ có hàng chữ “theo thời giá”.
Hỏi cá mặt quỷ, câu trả lời khiến cả đoàn lạnh người: “600 nghìn đồng 1 ký 3 con”. Riêng cua huỳnh đế thì thay vì 300 nghìn/ký như trong tờ bướm, nó là 550 nghìn. Hỏi sao có sự khác biệt, cô nhân viên trả lời: “Vì mùa này không phải mùa cua, nên hiếm”.
Nhiều năm trước đây, một số ngành dịch vụ ở thành phố biển Vũng Tàu như khách sạn, nhà hàng ăn uống, từng nổi tiếng với câu: “Mài dao cho sắc, chặt khách cuối tuần”, để chỉ về cái sự “chặt, chém” du khách. Nói cho công bằng, chuyện “chặt, chém” phần lớn đều rơi vào một số những nhà hàng, khách sạn tư nhân.
Để chấn chỉnh và cũng là để tạo ấn tượng tốt với du khách, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ thị các ngành chức năng, áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không tránh khỏi vì hầu hết những nhà hàng, quán ăn “chặt chém”, đều biết rằng khách vào quán họ là khách vãng lai, và có thể chỉ vào một lần trong đời nên việc giữ khách đối với họ, là việc chẳng cần thiết. Nếu khách phản ứng và nếu thấy không êm xuôi, thì hoặc họ cho rằng nhân viên tính nhầm, hoặc đồ ăn quán của họ là loại... đặc sản cao cấp. Rất hiếm khi có chuyện chủ quán trả lại tiền.
Một cán bộ lãnh đạo tỉnh, nói: “Chẳng lẽ mình cử người ngồi ở quán này, nhà hàng kia từ lúc mở cửa đến lúc đóng cửa để giám sát”.
Không chỉ “chặt, chém”, một số quán còn “lừa” cả những món ăn đặc sản. Bạn đồng nghiệp ở Báo Bà Rịa-Vũng Tàu kể cho nghe câu chuyện rằng, có quán ở khu vực Bãi Sau, chuyên làm giả cua gạch bằng cách bơm lòng đỏ trứng vịt muối vào, rồi tính giá 350 nghìn đồng/kg.
Một chuyên gia dầu khí người Nga lâu nay vẫn thường xuyên đưa gia đình đi ăn ở quán này, và khi quán bị giải tỏa trong chương trình chỉnh trang đô thị, ông đưa vợ con đến một quán khác. Lúc gọi món cua gạch hấp dĩ nhiên là gạch thật, ông đã than phiền vì gạch cua không béo, không đậm đà!
Nghe nói có quán còn làm giả cua lột bằng cách lấy những con “rạm” - là một loại cua đồng nhỏ, đem ngâm giấm trong vài giờ đồng hồ. Dưới tác dụng của acid lactic trong giấm, lớp vỏ cua mềm ra. Thế rồi họ rửa sạch giấm, lăn bột, chiên giòn, 300 nghìn đồng/kg, nhai vào đố ai biết. Bên cạnh, còn có những chiêu độc đáo như gân bò giả bào ngư, ốc giác giả hải sâm, cá hồng thay cá chẽm.
Có quán quảng cáo “cá mập ăn sống với mù tạt” nhưng thật ra, đó là cá thu ngừ. Lúc dừng xe tại chợ để anh em trong đoàn mua vài ký mực khô làm quà, chị bán mực hỏi: “Anh có biết súp cua trong mấy quán mà anh nói là gì không?”.
Chưa đợi trả lời, chị đưa tay chỉ ra một góc gần đó. Trên nền gạch nhớp nháp, bảy tám người đang ngồi dùng dao, tách những mẩu thịt bé tí ra khỏi mớ càng ghẹ.
Chị giải thích: “Ghẹ trong lúc vận chuyển, cân đong thường bị rụng càng. Một số quán ăn mua lại với giá rẻ rề rồi luộc lên, thuê người tách lấy thịt. Sau đó, họ nấu chung với bột, thêm mấy quả trứng khuấy đều là thành súp cua, 20 nghìn đồng một chén”.
Để tiếp thị, những quán cơm “lừa” có hẳn một đạo quân. Theo tìm hiểu, thành phố biển Vũng Tàu có khoảng 30 người làm việc này, và các tuyến đường mà họ thường xuyên hoạt động là đường Hạ Long, Quang Trung và đường Thùy Vân.
Những ngày nghỉ cuối tuần, cò “cơm” trên những chiếc xe gắn máy, đảo qua đảo lại và hễ nhìn thấy những chiếc ôtô mang bảng kiểm soát của các tỉnh, thành khác, họ áp sát, phát tờ bướm kèm theo lời quảng cáo nghe rất hấp dẫn.
Một cò cơm tiết lộ: “Nếu là xe gắn máy của mình thì mỗi ngày, chủ quán sẽ chi 20 nghìn tiền xăng. Kéo được khách vào ăn uống, cò hưởng 20% trên tổng hóa đơn. Nếu xe chủ quán cho mượn, thì cũng hưởng 20% trên tổng hóa đơn nhưng không có thêm cái khoản xăng nhớt vì chủ xe đã đổ sẵn rồi”.
Để có thể chi 20% hoa hồng, thì “chặt, chém”, “lừa” là chuyện hiển nhiên. Nhiều du khách bực bội: “Gọi là quán cơm bình dân nhưng lại đắt gấp 3-4 lần khách sạn cao cấp”.
Để chứng minh, họ cho xem hai tờ phiếu tính tiền: Cũng từng ấy người, từng ấy món ăn, nhưng ở quán X. là 960 nghìn đồng, trong lúc tại nhà hàng Con Sò Vàng thuộc Công ty Du lịch Vũng Tàu, thì chỉ 285 nghìn đồng.
Để hiểu thêm về chuyện cơm "lừa", buổi chiều, ghé quán Y. trên đường Lê Hồng Phong. Bữa cơm chiều hôm ấy, vẫn với 8 người nhưng phải trả gần 2 triệu đồng: Một đĩa ốc hương 12 con, giá 150 nghìn đồng. Hai tô canh chua cá dứa 300 nghìn đồng. Hai con cá chim, mỗi con chỉ khoảng 300 gram 200 nghìn đồng và đặc biệt hơn - một đĩa rau muống xào tỏi, mỗi người chỉ gắp một đũa là hết, giá 30 nghìn đồng. Riêng cái món trái cây mang danh “đặc sản”, thì thực chất chỉ là mấy quả quýt... Trung Quốc!
Chủ quán giải thích: “Tùy theo mùa, mùa nào có loại hải sản đó nên quán mua bao nhiêu, tính giá bấy nhiêu”. Nghe qua thì có vẻ hợp lý nhưng mấy ai trước khi vào ăn, lại ra chợ để hỏi xem cua, mực, cá, tôm..., hôm nay bao nhiêu một ký. Vì thế, “theo thời giá” còn có nghĩa “giá nào tính cũng được!”.
Nghe nói quán này đang bành trướng bằng cách tìm thuê lại những quán ăn lân cận với giá từ 15 đến 20 triệu đồng/ tháng, hoặc đặt thẳng vấn đề với những quán ấy, là họ sẽ kéo khách về với điều kiện giá cả để mặc họ lo.
(Theo Công An Nhân Dân)