Rời quân ngũ, anh Võ Văn Phụng, ngụ tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận chọn cho mình con đường mưu sinh bằng nghề phụ hồ. Mảnh đất Tánh Linh vốn nghèo khó dường như không đủ để dung dưỡng những con người nơi đây. Nhiều người đã phải bỏ xứ ra đi để tìm một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, anh Phụng lại không thể cất bước rời xa quê bởi còn nặng gánh cha mẹ già. Đặc biệt là tình yêu tha thiết với người con gái chốn quê nghèo, chị Phạm Thị Hồng Lượng.
Công việc phụ hồ rất nặng nhọc nhưng chỉ đem lại cho anh ngót nghét 90.000 đồng/ngày. Những tháng may mắn thì làm việc liên tục được 2-3 tuần lễ, còn khi ế ẩm, cả tháng chỉ được một tuần kiếm cơm. Với số tiền còm cõi đó, anh không chỉ phải trang trải cho bản thân mà còn phụng dưỡng cho cha và cả người mẹ già gầy ốm, quanh năm bệnh tật.
![]() |
Chuyện tình "Một túp lều tranh, hai trái tim vàng" của anh Võ Văn Phụng và chị Phạm Thị Hồng Lượng. |
Thế nhưng khi được hỏi về chị Hồng Lượng, trong mắt anh Phụng lại ngời sáng niềm vui. Anh cười hiền lành: “Trước khi gặp cô ấy mình cũng thương hai, ba người. Cũng tỏ tình với người ta mà hình như thấy hoàn cảnh mình nghèo quá người ta hổng chịu”.
Dường như thần tình yêu đã mỉm cười với anh khi gặp Phụng, ngỏ lời và người con gái đã gật đầu. “Tôi yêu Lượng ở sự đảm đang, hiền lành, hiếu thuận. Khi tôi nói lời yêu với Lượng, em nắm tay tôi bảo rằng khổ cũng được anh à, miễn là mình thương nhau. Những lời đó như là động lực để tôi cùng em đi qua những ngày tháng cho đến tận bây giờ”, Phụng nhớ lại.
Với Lượng, cô gái quê bị Phụng chinh phục bởi tính cách chân chất, luôn biết nghĩ cho gia đình. Tuy vậy, khi yêu chàng trai này cô biết mình sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống sắp tới. Bởi vì, mặc dù động viên Phụng phải cố gắng hơn nhưng bản thân cô cũng đang rơi vào hoàn cảnh túng quẫn.
Cuộc sống riêng của Lượng còn có khó khăn hơn Phụng rất nhiều lần. Cô gái nghèo làm công việc may vá với thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng một tháng nhưng phải chăm sóc cho cha mẹ đã già yếu và mất khả năng lao động. Cô còn chăm sóc người ông đã ngoài tám mươi tuổi mắc chứng mất trí nhớ. Bờ vai của Lượng bé nhỏ nhưng sớm phải gồng gánh những vất vả của cuộc đời.
![]() |
Anh Phụng và ánh nhìn đau đáu từ căn nhà mình. |
Bạn bè nhiều khi cũng khuyên cô nên chấp nhận yêu một người đàn ông đã ly dị nào đó nhưng có khả năng kinh tế tốt hơn để đỡ đần cho gia đình, thay vì “rổ rá cạp vào nhau” khi quen Phụng. Thế nhưng, Lượng vẫn gạt bỏ qua tất cả những lời nói ngược tai đó. Cô tin rằng, vì tình yêu và niềm tin ở cuộc sống, chắc chắn họ sẽ từng bước vượt qua những khó khăn của mình.
Cuộc sống của những người con hiếu thảo cứ bình thản trôi qua. Cả hai suốt ngày phải vùi đầu với công việc. Phụng kể: “Hai đứa quen nhau đã hơn ba năm rồi, vậy mà số lần đi chơi với nhau chỉ đúng… ba lần. Hổng có cái xe để đi lại nên cũng chẳng biết đi đâu mà quan trọng hơn là hai đứa suốt ngày phải làm việc, một năm số ngày nghỉ cũng chỉ trên đầu ngón tay mà thôi”.
Chàng trai nghèo ở tỉnh Bình Thuận cũng thật thà chia sẻ, là người đàn ông, anh thừa hiểu bạn gái của mình cũng muốn được như chúng bạn, được đi chơi vào những ngày cuối tuần, được chiều chuộng một chút. "Nhưng Lượng lại rất hiểu ý và cô thường xuyên là người đề nghị cả hai cùng ở nhà để tiết kiệm tiền bạc còn lo cho gia đình và cho chính cuộc sống của chúng tôi sau này", Phụng nói.
Cặp đôi tận tụy chăm sóc cho những người xung quanh, khi anh Phụng vắng nhà Lượng lại tất cả chạy qua chạy lại giữa hai gia đình để chăm sóc người thân hai bên. Nhưng khi hỏi về một đám cưới, cả hai đều im lặng hoặc tránh nhìn vào mắt nhau. Hơn ai hết, họ hiểu hoàn cảnh khó khăn của mình. “Cuộc sống còn vất vả, phải chạy từng bữa ăn nên chúng tôi đâu dám nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình”, anh Phụng tâm sự.
Những lo toan về một cuộc sống chung đầy trắc trở phía trước cũng chi phối đến ước mơ giản đơn về ngày hạnh phúc của họ. Tuy nhiên, anh Phụng vẫn luôn giữ nguyên ý định của mình: Phải có một đám cưới và anh chị sẽ chỉ trở thành vợ chồng một cách đường đường chính chính chứ không sống chung trước hôn nhân.
Khi được hỏi về thứ mong muốn có nhất nếu có thể kết hôn với nhau chị Lượng bẽn lẽn tâm sự, ước mơ của chị chỉ là một chiếc giường dành cho hai vợ chồng, nghe chừng nhỏ bé và đơn giản với người khác nhưng lại cả là một ước mơ với chị. Một ngày đẹp trời những người thực hiện chương trình truyền hình thực tế “Mong đợi một ngày vui” của HTV tìm đến.
![]() |
Cặp đôi nghèo đã rơi nước mắt khi được tổ chức đám cưới. |
Với mục đích tìm đến những cặp đôi yêu nhau đang gặp những hoàn cảnh khó khăn để giúp họ hoàn thành ước nguyện hạnh phúc, chương trình không chỉ giúp anh Phụng và chị Lượng thực hiện một đám cưới với sự chứng kiến của quan viên hai họ mà còn đạt được ước nguyện của chị Lượng là sở hữu chiếc giường uyên ương.
Hơn thế nữa, chương trình còn giúp đỡ hai anh chị một số vốn làm ăn để họ cùng nhau có một khởi đầu mới mang nhiều ước mơ về tương lai tươi sáng hơn.
Khán giả có thể theo dõi chuyện tình cảm động của anh Phụng và chị Lượng, những nhân vật chính trong “Mong đợi một ngày vui", phát sóng vào lúc 20h30 ngày 19/12 trên sóng HTV7. “Mong đợi một ngày vui” là chương trình truyền hình thực tế mang ý nghĩa từ thiện, tìm đến những cặp đôi yêu nhau nhưng gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Chương trình hỗ trợ cho họ thực hiện một đám cưới đúng nghĩa và đúng truyền thống văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, qua những vòng gameshow, Cặp đôi tham gia chương trình còn có cơ hội nhận được những khoản tiền để bước đầu gầy dựng cuộc sống mới. Độc giả nếu thấy xung quanh mình có những câu chuyện tình cảm động, hãy liên lạc với những người thực hiện chương trình thông qua địa chỉ Ban biên tập “Mong đợi một ngày vui” (125/12 Nguyễn Cửu Vân, quận Bình Thạnh, TP HCM) hoặc số điện thoại 08 38279889. |
Ngân Kim