Thứ sáu, 28/1/2022, 00:05 (GMT+7)

Cơ thể ra sao khi chỉ ăn một bữa mỗi ngày

Ăn một bữa mỗi ngày chưa chắc đã giúp bạn giảm cân, thậm chí còn tích trữ mỡ thừa và không có đủ năng lượng làm việc.

Ăn một bữa trong ngày hay còn gọi là OMAD (one meal a day) là một trong những biến thể của phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Người áp dụng phương pháp này sẽ chỉ ăn một bữa trong vòng 24 tiếng. Tuy nhiên, phương pháp nào cũng có ưu, nhược điểm. Bài viết này chỉ để cập đến nhược điểm của OMAD để giúp bạn cân nhắc kỹ trước khi áp dụng.

Khi thiếu thức ăn, cơ thể sẽ tự động chuyển sang 'chế độ đói' và tích trữ thức ăn mà bạn tiêu thụ. Nó sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất để giữ năng lượng cho cơ thể lâu nhất có thể, đồng thời làm tăng hormone căng thẳng cortisol. Việc này khiến cơ thể dễ tích trữ chất béo hơn so với khi được ăn đầy đủ.

Nhịn ăn trong thời gian dài thường làm hạ đường huyết, gây căng cơ, đau đầu. Việc này sẽ rất nguy hiểm trong trường hợp bạn mắc bệnh tiểu đường type 2.

Một bữa mỗi ngày có thể không cung cấp đủ lượng vitamin cơ thể cần. Điều đó dẫn đến rụng tóc, móng tay nhanh xước, gãy, nổi đốm trắng.

Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt rất dễ gặp phải ở những người nhịn ăn, ăn rất ít nhằm ép cân. Điều này xảy ra do cơ thể bị bỏ đói dẫn đến hạ đường huyết, thiếu magie cũng như các vitamin, khoáng chất để duy trì hoạt động của các cơ quan.

Cơ thể bị bỏ đói sẽ có xu hướng thèm ăn, muốn ăn nhiều hơn. Điều này cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng yoyo, tăng cân nhiều hơn cả số cân đã giảm được. Để tránh 'lợi bất cập hại', tốt nhất bạn nên lắng nghe cơ thể, tìm phương pháp phù hợp cho bản thân, có thể duy trì lâu dài trở thành lối sống hàng ngày.

Thông thường, nữ giới được khuyến khích tiêu thụ trung bình 1.200-1.500 calo/ngày. Nam giới được khuyến cáo tiêu thụ trung bình 2.000-3.000 calo/ngày. Số calo thay đổi tùy theo nhu cầu sinh hoạt, tính chất công việc…Tiêu thụ quá ít calo, giảm lượng calo đột ngột có thể khiến cơ thể xuất hiện tình trạng ớn lạnh, mệt mỏi, uể oải, khó tập trung.

Duk Sun (Theo Brightside)

Đánh giá phiên bản mới