Sang Hàn Quốc du học, hành trang mà Lan Anh, 19 tuổi, mang theo là hai valy to trong đó một chiếc chứa toàn đồ ăn. Không chỉ mì tôm, cô gái trẻ còn dự trữ mì gạo, bún khô, gia vị để dùng tạm trong những ngày chưa ổn định cuộc sống. Lan Anh tâm sự, mẹ cô mất vài ngày lên danh sách và chuẩn bị những thực phẩm này cho con gái. Bà mua tới 20 chai tương ớt; 1 kg hành, tỏi và nấm hương vì lo Lan Anh không quen đồ ăn ở xứ lạ.
Lan Anh du học tự túc ngành Ngôn ngữ Anh tại một trường nổi tiếng ở Seoul. Cô thuê nhà trọ gần trường cùng ba nữ sinh viên Việt Nam để tiết kiệm chi phí và tiện cho việc đi lại. Phòng trọ không rộng, trong ngõ, có giá 500.000 Won mỗi tháng (khoảng 10 triệu đồng). Tính cả phí sinh hoạt, ăn uống, đi lại, trung bình Lan Anh mất khoảng 350.000 Won một tháng (khoảng 7 triệu đồng).
Nói thạo tiếng Hàn và tiếng Anh nhưng Lan Anh vẫn gặp khó khăn trong ngày đầu ở Seoul. Cô phải tự đi tìm và ký hợp đồng thuê nhà, nhiều lần lạc đường, tủi thân phát khóc. "Lúc mới sang tôi nhụt chí lắm, khóc nhiều, chỉ muốn về nhà với bố mẹ", Lan Anh bảo. Sau đó cô được sự giúp đỡ của các đồng hương nên từng bước làm quen với môi trường tại đó.

Lan Anh mang theo nhiều thực phẩm Việt sang Hàn Quốc.
Là sinh viên năm nhất, chưa được làm thêm nên toàn bộ tiền học, ăn, ở của Lan Anh do bố mẹ hỗ trợ. Chính vì thế, cô luôn đề cao tinh thần thiết kiệm và bước đầu cắt giảm chi phí bằng việc nấu ăn tại nhà, ăn mì tôm. Nữ du học sinh cho hay, giá mua thực phẩm tại Hàn Quốc đắt hơn Việt Nam, đặc biệt là rau và hoa quả. Cô thường nấu các món đơn giản vì dụng cụ nhà bếp chưa đủ, như thịt rang, trứng rán... Nhờ mang đủ gia vị hạt nêm, mì chính, nước mắm nên các món ăn do Lan Anh và bạn cùng phòng nấu vẫn đảm bảo hương vị Việt. Hơn một tuần ở Hàn Quốc, những bữa cơm là niềm an ủi duy nhất cho Lan Anh khi xa nhà.
150 gói mì tôm, mì gạo, bún khô... được Lan Anh chia ra ăn sáng hay lót dạ trong những hôm tan học muộn. Cô bảo đây là "kho lương thực quý giá" nên phải "ăn dè". Phòng trọ của Lan Anh gần cửa hàng, dễ dàng mua sắm khi cần thiết nhưng giá đắt nên hạn chế. Những thức uống bình dân ở Việt Nam như cà phê, cacao với cô trong thời điểm này đều là... đặc sản.
Lan Anh cho biết trong những lần về thăm nhà và trở lại Hàn Quốc tiếp theo, cô vẫn tranh thủ mang theo đồ ăn. Bên cạnh mì tôm, cô dự kiến có thêm các gói gia vị nêm sẵn để nấu các món thịt kho tàu, cá kho, nước lèo chan bún, phở. Theo Lan Anh, đây là cách tiết kiệm chi phí và "vỗ về cảm xúc" khi buồn và nhớ nhà. Cô bảo ăn mì tôm Việt Nam có vị ngon, thân quen hơn hẳn các món mì gói của Hàn Quốc.

Lan Anh, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc.
Lam Trà