Hôm 27/7, khi đang trên đường đi làm, Yu trông thấy một người vừa được vớt lên từ dưới sông. Nữ sinh vừa tốt nghiệp từ một trường y ở Bắc Kinh vội quỳ xuống, làm động tác hô hấp nhân tạo mà không dùng gạc và mátxa vùng ngực cho nạn nhân.
Một người qua đường có tên Xiong Kelin đã chụp được 9 tấm ảnh cô gái đó rồi đưa lên mạng. "Mới đầu tôi nghĩ cô ấy là người thân của người đàn ông chết đuối", Xiong kể. Xiong đã cố gắng hỏi tên của nữ y tá sau khi cô định ra về, tuy nhiên cô gái từ chối tiết lộ rồi ra đi trong im lặng.
![]() |
Yu đang cấp cứu cho người đàn ông chết đuối. Ảnh: China Daily. |
Mặc dù vậy, cư dân mạng vẫn cố gắng lần ra tung tích của cô gái ấy. Cuối cùng, danh tính của cô được "bật mí". Đó là Yu Shuhua, y tá ở bệnh viện Nhân dân Youyang thuộc thành phố Trùng Khánh. Yu chia sẻ: "Đó là điều bình thường khi bạn gặp ai đang hấp hối. Tôi không nói tên mình bởi thấy việc làm này không có gì to tát".
Yu bảo cô đã làm những gì cần làm. "Thế giới đầy rẫy những bi kịch nên chúng ta cần yêu mến cuộc sống hơn, cuộc sống của chúng ta và của cả những người khác nữa, của người giàu hay nghèo", Yu tâm sự.
Người đàn ông chết đuối đã không qua khỏi sau khi được xe cấp cứu đưa tới bệnh viện. "Tôi thấy buồn khi nghe tin người này qua đời. Tôi nghĩ mọi người đã cố gắng để cứu ông ấy", cho hay.
China Daily đưa tin nhiều người dân Trung Quốc cho rằng việc hô hấp nhân tạo thật mất vệ sinh và chỉ có thể làm khi nạn nhân là người thân thiết của mình. Bác sĩ Xiao Yonghong ở bệnh viện thuộc Đại học Chiết Giang, cho hay: "Mặc dù hô hấp nhân tạo thiếu biện pháp bảo vệ có thể không gây nhiễm trùng nguy hiểm nhưng nguy cơ vẫn có thể xảy ra". Theo ông Xiao, một số căn bệnh về hô hấp có thể lây truyền qua con đường này như bệnh lao. Bác sĩ cũng cho rằng hầu hết người dân Trung Quốc đều thiếu các kiến thức sơ cứu sơ đẳng.
"Mặc dù sơ cứu được dạy ở trường tiểu học và trung học ở hầu hết tất cả các thành phố của Trung Quốc nhưng nhiều người vẫn không biết cách cấp cứu khi cần thiết", ông Xiao nói.
Cẩm Vân