Xiaoling, đến từ Trung Quốc, là một nhân viên văn phòng. Trước đây, giống hầu hết những người trẻ, cô thích theo đuổi các xu hướng thời trang, thường xuyên lang thang ở trung tâm mua sắm và các nền tảng bán hàng trực tuyến. Hơn một nửa số tiền lương của Xiaoling được chi cho quần áo. Tuy nhiên dần dần, Xiaoling nhận ra nhược điểm của cách tiêu dùng này.
Xiaoling nói: "Tôi từng nghĩ mua quần áo mới là một phần thưởng cho bản thân, nhưng rồi tôi phát hiện ra rằng chúng sẽ trở nên lỗi thời chỉ sau một vài lần mặc. Theo thời gian, chúng thực sự không còn nhiều giá trị nữa". Cô bắt đầu suy ngẫm về thói quen chi tiêu và quyết định thử lối sống mới: Không mua quần áo trong một năm.
Quyết định này không hề dễ dàng đối với Xiaoling. Cô phải vượt qua những thôi thúc và cám dỗ cũng như các phương thức tiếp thị của trung tâm mua sắm và nền tảng bán hàng. Xiaoling cho biết cô đã bám sát bản kế hoạch, dành nhiều thời gian, sức lực hơn cho công việc và hoàn thiện bản thân.
Trong quá trình đó, Xiaoling cũng trải qua một số thay đổi thú vị. Cô bắt đầu chú ý hơn đến những bộ quần áo đã có, học cách kết hợp và sắp xếp chúng để biến đồ cũ thành như mới. Cô cũng tham gia một số sàn giao dịch đồ cũ để bán lại hoặc trao đổi những bộ quần áo mình không còn cần nữa. Xiaoling cho biết điều này giúp giảm thiểu rác thải và cô có thêm một số người bạn cùng chí hướng.
Một năm sau, khi nhìn lại thử thách "không mua quần áo", cô rất ngạc nhiên khi thấy mình không chỉ tiết kiệm được 190.000 nhân dân tệ mà còn thấy tự tin, hài lòng hơn. Cô phát hiện ra mình không cần phải dựa vào việc tiêu dùng vật chất để tìm thấy hạnh phúc và cảm giác thành tựu. Giá trị thực sự nằm ở sự phát triển và tiến bộ của bản thân.
Câu chuyện của Xiaoling đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi tại nơi làm việc. Nhiều đồng nghiệp cho biết họ cũng từng có trải nghiệm tiêu dùng tương tự nhưng họ thường khó cưỡng lại sự cám dỗ. Họ lấy cảm hứng từ trải nghiệm của Xiaoling và bắt đầu xem xét lại các khái niệm và hành vi tiêu dùng.
Một đồng nghiệp nói: "Chúng ta nên làm rõ nhu cầu và mục tiêu, tránh chạy theo xu hướng một cách mù quáng và mua sắm bốc đồng. Đồng thời, chúng ta cũng nên học cách trân trọng những gì mình có".
Cuộc thảo luận về khái niệm tiêu dùng này cũng làm nảy sinh suy nghĩ về văn hóa nơi làm việc. Nhiều người đang đi làm cho rằng tiêu dùng quá mức không chỉ ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hạnh phúc cá nhân mà còn tác động tiêu cực đến văn hóa công sở. Họ kêu gọi thiết lập văn hóa tiêu dùng hợp lý và lành mạnh hơn tại nơi làm việc, để những người trẻ nhận ra giá trị bản thân và có một cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa hơn.
Mặc dù câu chuyện của Xiaoling là trường hợp cá nhân, nhiều ý kiến xung quanh bài viết cho rằng nó phản ánh xu hướng tiêu dùng của giới trẻ đã thay đổi. Ngày nay, với nguồn tài nguyên vật chất dồi dào, giới trẻ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần và nhận thức về giá trị bản thân. Họ không còn theo đuổi sự tiện nghi vật chất một cách mù quáng mà chú ý hơn đến việc tiêu dùng hợp lý và phát triển bền vững. Sự chuyển đổi này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc cá nhân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ bền vững của xã hội.
Hằng Trần (Theo Toutiao)