Công việc làm vườn với Bùi Thương (Kinh doanh, TP HCM) không chỉ là sở thích mà đã trở thành một niềm đam mê thực sự. Trên sân thượng rộng chừng 40 m2, chị tự thiết kế và lắp ráp những giá rau sạch ngăn nắp, khoa học. Thương còn chia ra các khu vực riêng như khu trồng rau ăn lá, khu trồng cây ăn quả để tiện công chăm sóc cũng như tránh sâu bệnh lây chéo nhau.
Cô gái 8x đặc biệt thích trồng cà chua vì loại quả thông dụng này luôn cần thiết mỗi ngày, được dùng trong các món ăn hay lấy nước ép để uống, rất tốt cho sức khỏe. "Góc cà chua" trên sân thượng của Thương được quy hoạch cùng vị trí với những loại cây ăn quả khác. Hiện tại, chị có khoảng 30 cây cà chua cho quả lớn bằng bát ăn cơm, 2 cây cà chua bi và cây nào cây nấy đều đậu trái sai lúc lỉu. Bùi Thương thậm chí đã khiến nhiều người "ngưỡng mộ" khi chia sẻ về số lượng cà chua thu hoạch được.
"Hai cây cà chua bi của mình đã thu được hơn 500 trái và còn ít nhất 200 trái trên cây, chưa tính đang ra hoa. Riêng chiều nay mình cắt được hơn 300 trái, mình rảnh lắm nên ngồi đếm. Với hơn 30 cây cà chua loại to hơn cái chén ăn cơm chuyên xay sinh tố, ít hạt, bột nhiều đang đơm hoa kết trái, có cây mình đếm thử tới 30 trái chưa tính trái nhỏ và hoa".
Nói về bí quyết để những cây cà chua sai trĩu quả, cô "thợ làm vườn" này cho biết, từ khâu ươm hạt tới làm đất, chăm sóc, tỉa cành đều cần chú ý cẩn thận. Ngoài ra, cà chua cũng dễ mắc nhiều loại bệnh nên phải xử lý ngay khi phát hiện, nếu không sẽ khó chữa, thậm chí phải nhổ bỏ. "Nếu bệnh nhẹ, mình có thể dùng nước tự pha để xịt vào gốc, thân và lá cây. Còn bệnh nặng thì bắt buộc phải dùng thuốc. Có đợt, cây bị bệnh xanh lá, mình thức nguyên đêm để chạy lên chạy xuống xịt thuốc cho cây. Thất bại lớn nhất của mình là từng phải nhổ bỏ 4 gốc cà chua mà xót ruột tới mất ăn mất ngủ", Thương cho biết.
Cô gái mát tay làm vườn đưa ra những điểm cơ bản cần lưu ý để cây cà chua đậu "siêu trái" như sau:
- Ươm hạt: Ngâm hạt cà chua trong nước có tỷ lệ 2 nước sôi : 3 nước lạnh khoảng 4 tiếng rồi đặt hạt lên một miếng khăn giấy ẩm, sau đó bỏ vào túi zipper. Tiếp đến, cho túi vào ngăn kéo tủ khoảng 3 ngày để hạt nứt nanh là đem đi ươm được.
- Chuẩn bị đất ươm: Nguyên liệu gồm xơ dừa xử lý, phân bò ủ hoai sàng lấy hạt nhỏ được trộn với đất rồi chia thành từng khay hoặc ly.
Lấy nhíp gắp hạt cà chua vào ly (khay), đưa phần mầm lên mặt đất rồi phủ một lớp mỏng xơ dừa.
- Chuyển ra chậu trồng: Khi cây cao khoảng 8 cm thì bứng nguyên đất để ra chậu trồng, tùy theo điều kiện trồng của từng nhà, tuy nhiên, cách của Thương là trồng bằng thùng earthbox (bốn bề đều kín mít, không chọc thủng đáy) và chỉ sử dụng xơ dừa, phân bò ủ hoai, trấu hun, hoàn toàn không cần đất.
- Bấm ngọn, bón phân: Khi cây đủ 18 lá thì bấm ngọn. Cây cà chua là loại cần dinh dưỡng cao nên cách ngày tưới phân cá một lần (phân ủ bằng ruột cá, đầu cá), bổ sung thêm nước thủy canh, nếu không thì dùng nước thủy canh pha một muỗng cafe đạm đổ xuống phần dự trữ nước cung cấp cho cây 2 lần/tuần.
- Tỉa hoa: Khi cây ra hoa đợt đầu tiên thì ngắt bỏ hết hoa và nụ rồi tưới đạm dưỡng sức cho cây lần sau ra trái sai, cây bền khỏe hơn.
Khi cây ra hoa đợt 2 nếu không có gió thì cần rung nhẹ cây để thụ phấn, hạn chế tưới nước lên lá và hoa.
- Trị bệnh: Cây cà chua là loại cây kháng sinh rất yếu, cây có thể phát bệnh trong vòng 4 ngày là chết. Cây dễ bệnh trong thời kỳ ra hoa và trái, cần phòng ngừa bằng cách xịt thuốc côn trùng sinh học với tỏi-ớt-gừng... nhưng nếu cây phát bệnh thì phải dùng thuốc mua đặc trị chứ thuốc tự chế không kịp thời cứu cây được.
Đặc biệt, cà chua cần tưới vào sáng và chiều nên khi còn nắng. Nếu tưới vào tối, cây hay bị sâu bệnh.
>> Xem thêm Ảnh vườn cà chua sai lúc lỉu của Bùi Thương
Hà Nhi