Vân Anh (32 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) cho biết lúc còn đôi mươi, cô không hiểu ý nghĩa của việc giữ tiền và tiết kiệm, không lên danh sách mua sắm mà thường chi tiêu theo ý thích, cảm xúc. "Vì thế, có nhiều tháng, mình tiêu hết sạch tiền lương mà vẫn không hiểu bản thân đã chi vào những gì", Vân Anh cho hay.
Đến khi nền kinh tế trở nên khó khăn, đồng thời nhìn thấy bạn bè đã sắm sửa được nhà, xe, Vân Anh quyết tâm thay đổi, nhìn nhận lại thói quen chi tiêu, để "chí ít cũng thoát cảnh vung tay quá trán" hàng tháng. "Sau tuổi 30, mình mới nhận ra năm thứ không cần lãng phí nhiều tiền để mua. Nhờ đó đã để ra được ít nhất ba triệu đồng mỗi tháng", Vân Anh nói.

Ảnh minh họa: Pinterest
1. Son
Khi dọn dẹp bàn trang điểm, Vân Anh ngạc nhiên biết mình có khoảng 30 thỏi son các loại, với giá từ vài trăm nghìn đồng tới vài triệu đồng mỗi sản phẩm, có những thỏi cô còn không biết mình có từ bao giờ. "Lúc đó mình mới tá hỏa vì đã lỡ mua sắm nhiều đến thế. Mình thấy thật lãng phí khi có nhiều thỏi son còn chưa dùng lần nào đã phải vứt đi vì hết hạn", 9X nói.
Để tránh tốn kém, Vân Anh tự đặt ra quy định thay vì mua ngẫu hứng như trước, cô sẽ chỉ mua một thỏi son mới khi nào dùng hết hai cây son cũ. "Mình cũng không sợ son đang dùng sẽ lỗi mốt bởi có thể mix match các màu son với nhau, nhờ thế còn tạo ra sự mới lạ cho diện mạo", cô nói.
2. Sách
5 năm liền, Vân Anh có thói quen mỗi tháng đều mua 2-3 cuốn sách mới chỉ vì cái bìa hoặc thấy mọi người giới thiệu hay dù không thực sự có nhu cầu đọc. Chưa kể, Vân Anh rất thích tới tiệm, hội chợ sách nên có những tháng còn mua nhiều hơn. Hiện tại, tủ sách của cô đã chật cứng, có khoảng 500 đầu sách các loại nhưng phần lớn đều phủ bụi trong góc vì "chưa kịp đọc".
"Khi dọn tủ, mình cảm thấy áy náy vì chưa có trách nhiệm trong việc đọc và còn khiến nhà cửa thêm chật chội, hết chỗ chứa", Vân Anh cho hay. Hiện tại, cô quyết định dừng mua sách trong năm nay để tránh lãng phí và đang thực hiện kế hoạch đọc một cuốn sách mỗi tháng, đem những cuốn không còn muốn đọc tặng cho người cần.
3. Đồ mỹ phẩm, dưỡng da
Vân Anh rất thích việc dưỡng da và trang điểm nên thường xuyên vào mạng xã hội để lùng mua các món đồ mới. "Nhưng thực tế là, có nhiều món đồ trang điểm mình dùng hàng năm cũng không hết, ví dụ như phấn má, bảng màu mắt. Một số món đồ dưỡng da cũng không cần thiết phải mua nhiều như kem cấp ẩm", Vân Anh nói.
Nhận ra rằng mình không cần nhiều đồ trang điểm hay dưỡng da mới nên từ năm ngoái, cô đã dừng mua các món đồ theo trend. 9X chỉ sắm các món cơ bản, đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc da và trang điểm, mua mới khi đã dùng hết một món cũ. Điều này giúp cô tránh lãng phí và tích trữ không cần thiết.
4. Đồ trang trí nhà cửa

Ảnh minh họa: Pinterest
Ban đầu, Vân Anh nghĩ mua đồ decor mới sẽ khiến nhà cửa thêm rộn ràng, vui mắt. Tuy nhiên, sau mỗi mùa lễ hội, chúng đều bám đầy bụi, khó vệ sinh và nhà cửa thêm bừa bộn vì cô không có kho lưu trữ đồ. "Vì vậy, bây giờ mình hạn chế sắm đồ decor, chỉ thi thoảng mua hoa để không gian sống tươi mới và dễ dàng vứt bỏ khi chúng héo", cô nói.
5. Quần áo kém chất lượng
Vân Anh từng chi nhiều tiền vào quần áo mỗi tháng, đặc biệt khi chuyển mùa. Đến lúc nhìn lại, cô thấy có nhiều bộ còn chưa từng mặc đến, bị ố hoặc lỗi vải do kém chất lượng. "Mình thấy đã tốn cả chục triệu đồng cho những bộ quần áo theo trend, chất lượng kém mà lại không sử dụng được", cô cho hay.
Vì vậy, khoảng hai năm trở lại đây, Vân Anh chỉ sắm các bộ quần áo có chất lượng tốt vào lúc chuyển mùa, tránh chạy theo trend. Cô cũng hạn chế mua quần áo online bởi khó xác định được chất lượng, phom dáng, từ đó không mất thời gian trả hàng nếu không ưng.
Hằng Trần