"Con rất biết ơn bà nội và Út Thủy đã nuôi lớn và cho con ăn học. Con mong ba bớt nhậu để về chăm sóc cho hai anh em con" - mẩu giấy ghi điều ước của cậu bé Tấn Tài, 12 tuổi, mở ra câu chuyện về một gia đình đặc biệt tại TP HCM. Ngay từ khi mới hơn một tuổi, Tấn Tài đã phải xa cha mẹ. Cô ruột và bà nội là hai người thay cha mẹ chăm sóc, dạy dỗ anh em Tấn Tài.
Cô Út trong mắt cậu bé 12 tuổi vui tính, hòa đồng và đã hy sinh rất nhiều để nuôi em ăn học, lớn khôn. Thậm chí, cô còn quyết định gác lại hạnh phúc riêng, tự nguyện chưa kết hôn để dành thời gian cho hai cháu, coi các em như con đẻ của mình.
Khi được hỏi về điều này, cô Út bộc bạch: "Tôi cũng là một người phải sống thiếu thốn tình cảm của cha từ nhỏ nên tôi rất thương hai bé. Do đó, tôi tự nguyện chăm sóc hai cháu như con ruột. Chăm sóc hai bé lâu rồi nên đôi khi tôi cũng quên đi hạnh phúc riêng. Tôi không biết có người nào sẽ yêu thương hai bé như tôi không nên tôi chưa dám nghĩ đến chuyện riêng tư. Tôi nghĩ cứ sống như thế này đã rồi mọi chuyện đến đâu thì đến".
Mỗi tháng, cô Út chở Tài đi thăm ba mẹ một lần. Mẹ của Tài đang đi làm ăn xa, còn ba em hay uống rượu. Có lần, Tấn Tài đã chính mắt nhìn thấy ba uống rượu xong đánh mẹ, khiến mẹ phải gửi hai anh em Tài về nhà nội. Tuy vậy, cả Tấn Tài và cô Út đều không trách giận cha mẹ em. Bởi với cô Út, ba của Tấn Tài không phải người xấu, chỉ vì cuộc sống có những điều không như ý khiến anh bị ức chế trong lòng rồi sinh thói nhậu nhẹt, bỏ bê con cái.
"Anh em tôi nhiều khi không thể chia sẻ được với nhau. Tôi cũng khuyên anh nhiều nhưng anh vẫn không hiểu. Thậm chí tôi nói không lấy chồng để ở vậy chăm sóc hai cháu anh vẫn kệ, bảo: 'Có gì đâu mà phải không lấy chồng'. Thực sự, tôi không yên tâm khi để hai cháu bơ vơ với người cha như vậy", cô Út nói.
Về chị dâu, cùng là phụ nữ, cô Út hiểu chị dâu chắc chắn cũng phải có lý do nên mới làm như vậy, nên cô không trách chị. Điều Út Thủy mong hơn cả là hai cháu ruột sau này ăn học nên người. Chỉ như vậy là cô cảm thấy mãn nguyện với những gì đã bỏ ra.