Đây là lực lượng ít khi xuất đầu lộ diện, nhưng mức "tàn phá" bóng đá lại vô cùng khủng khiếp. Rất nhiều các đội bóng đã phải than trời rằng "cò" đã phá nát bóng đá.
![]() |
'Cò' Trần Tiến Đại đứng đằng sau nhiều vụ chuyển nhượng bom tấn. Ảnh: TN. |
Là người chịu thiệt hại nhất từ "cò", rất nhiều ông bầu đã bức xúc yêu cầu VFF phải có những động thái cụ thể nhằm kiểm soát đội ngũ này, bênh cạnh đó chính các bầu cũng phải liên kết với nhau để không bị mất những khoản tiền vô lý. Bầu Kiên cho biết: "Các đội bóng không nên đi đêm, hãy thẳng thắn với nhau. Tại sao chúng ta không nói chuyện thẳng với nhau khi mua bán cầu thủ. Giờ nếu tôi muốn mua cầu thủ của HAGL hay Ninh Binh, tôi cứ điện cho anh Đức, anh Trường trước có phải ổn không. Nếu làm đúng như vậy, cò sẽ hết đất sống".
Bầu Kiên cũng chỉ trích các ông bầu có mốt thưởng nóng quá lạm dụng sẽ khiến các cẩu thủ hư, chỉ có tiền mới đá. Bầu Trường cũng bức xúc không kém: "Nhiều người cứ nghĩ các ông bầu lắm tiền, chịu chi nhưng ai biết chính đội ngũ cò trực tiếp phá giá, gây ra các hiện tượng đi đêm, chống đối CLB. Đây không phải là việc của các CLB nữa rồi mà VFF cần phải có chế tài hoặc phối hợp với lực lượng Công an để kiểm soát tình hình. Tôi có một đề xuất để hạn chế vấn đề này chính là cần lập ra Hiệp hội các ông bầu, Hiệp hội các cầu thủ. Ở đó có những quy định riêng bắt buộc tất cả phải theo chứ không theo kiểu mạnh ai lấy chạy, cứ có nhiều tiền là phá hợp đồng... như hiện nay".
Cuộc chiến chống lại cò được xem là lâu dài, khi mà một bộ phận không nhỏ các cầu thủ, các ông bầu vẫn đang gián tiếp ủng hộ cho đội ngũ này.
![]() |
VFF chưa có chế tài rõ ràng để quản lý việc chuyển nhượng cầu thủ. Ảnh: TN. |
Không thể nói VFF không có trách nhiệm trong vấn đề đang trở thành nhức nhối này của bóng đá Việt Nam. Là người chủ cuộc chơi, VFF cần tạo được những quy chuẩn, bắt buộc các CLB phải tuân thủ.
Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn cho biết VFF không có quyền yêu cầu các CLB phải khống chế tiền lương, thưởng cũng như minh bạch tài chính.
Có thể hiểu cái khó của VFF bởi giá trị chuyển nhượng luôn áp dụng theo quy luật cung cầu của thị trường. Thế nhưng, bóng đá Việt Nam đang từng bước lên chuyện nghiệp, thì hoàn toàn có thể học những cách làm để hạn chế mức giá chuyển nhượng leo thang ở các nước có nền bóng đá phát triển trên thế giới. Chẳng hạn, VFF có thể đặt ra mức lỗ tối thiểu nhất định cho mỗi CLB ở mỗi giải đấu. Ai không làm được, thì tự loại mình khỏi cuộc chơi. Cách làm này cùng với việc chế tài giám sát, kỷ luật nghiêm ngặt... chắc chắn sẽ làm hạ nhiệt giá cả. Tất nhiên, để làm được cách làm này thì trước tiên các đội bóng của V-League phải sống được bằng bóng đá, tức là không lỗ, có lợi nhuận. Đây chẳng khác nào đánh đố bởi gần như 100% các CLB đều lỗ sau mỗi mùa giải.
Ở một khía cạnh khác, không ít ông bầu đã chỉ trích việc để giá cả leo thang chính là do VFF đang hoàn toàn làm ngơ trước sự hoạt động bát nháo của giới cò. Đã có những cầu thủ bị treo giò, nhưng chưa bao giờ người ta thấy VFF xử lý được những kẻ giật dây phía sau.
Ai cũng có lỗi trong việc để giá cả chuyển nhượng leo thang như hiện nay. Nếu như các đội bóng phát triển bài bản, không ăn xổi, cầu thủ ý thức được sự chuyên nghiệp và VFF những chế tài, quy định về việc chuyển nhượng, quản lý cầu thủ nghiêm ngặt, thì đảm bảo sẽ khai tử được vấn đề gây nhức nhối này. Thế nhưng, để thay đổi được cả một hệ thống với tư tưởng nghiệp dư đã ăn vào máu, thì khó lắm. Bởi vậy, hãy cứ coi như vấn nạn này là một phần của cuộc chơi. Chính chúng ta tạo ra nó và muốn triệt tận cùng, trước hết phải làm tốt từ mình trước.
Mai Hương