
Cô bé 7 tháng tuổi đã khóc rất nhiều trước khi được bác sĩ xử lý chỗ gãy xương.
Vài tháng trước, một bà mẹ người Singapore đã cảm thấy sợ hãi sau khi con gái cô bị ngã từ trên giường xuống đất và có những biểu hiện khác thường. Lo lắng, người mẹ đã đưa con đến bệnh viện và bé gái 7 tháng tuổi được chẩn đoán bị gãy xương đòn. Bé được điều trị kịp thời, nhưng người mẹ trẻ đã đăng một bài viết trên trang cá nhân để cảnh báo các bà mẹ khác thận trọng hơn khi nuôi con nhỏ.
Câu chuyện của Nur Aryaniiey
Khoảng 17h ngày 17/10, cô con gái 7 tháng tuổi của Nur bị ngã từ trên giường xuống. Tình huống cụ thể không được nhắc đến nhưng Nur đã không nghĩ nhiều về việc này bởi nó cũng xảy ra vài lần trước đó. Tuy nhiên, bé bắt đầu khóc không ngừng. Trong 8 giờ tiếp theo, cô bé ít hoạt động hơn và không chịu ăn. Bé chỉ uống một bình sữa.
Lúc này, Nur đã rất lo lắng và đưa con đến cấp cứu tại Bệnh viện KK. Bé được khám và chụp X-quang. Kết quả phim chụp cho thấy cô bé bị gãy xương đòn. Rất may phần đầu của bé không bị chấn thương.
Trẻ sơ sinh và gãy xương

Phim chụp vị trí gãy xương của con gái Nur.
Gãy xương ở trẻ em xảy ra phổ biến hơn cả ở xương cẳng tay, chiếm tỷ lệ 1/5; sau đó là gãy xương đòn với 4 trong 12 trường hợp. Bố mẹ có thể tránh được cho con những tai nạn gây gãy xương, nhất là trong những trường hợp như trên.
Phụ huynh mua giường, nôi cho trẻ cần chú ý đến các thiết kế an toàn, có chiều cao phù hợp với độ tuổi; nên chọn các sản phẩm có kèm hướng dẫn sử dụng. Đặc biệt, bố mẹ không nên để trẻ một mình trên giường. Ngã từ độ cao khoảng 90 cm đối với trẻ sơ sinh là đã có thể gây nguy hiểm.
Xử lý khi bé bị ngã khỏi giường

Lắp thanh chắn và khóa an toàn ở giường của trẻ là một cách để đảm bảo an toàn.
Đừng bỏ qua những hành vi bất thường ở trẻ, đặc biệt là sau khi ngã. Nếu trẻ bị ngã từ trên cao xuống với độ cao lớn hơn chiều cao của bé, bạn nên chú ý nhiều hơn. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu bé có những biểu hiện dưới đây:
- Lơ mơ hoặc đột nhiên rất buồn ngủ
- Nôn mửa
- Trở nên nhợt nhạt và lạnh