Cha mẹ thường nghĩ rằng bé chỉ có thể bị ngã từ giai đoạn biết lật hoặc biết bò. Đây là lý do tại sao có nhiều cảnh báo nhắc nhở chúng ta rằng đừng bao giờ đặt một em bé sơ sinh trên giường cao hoặc bàn thay đồ mà không có sự giám sát của người lớn.
Có nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc em bé sơ sinh bị ngã (rơi) như người mẹ quá mệt mỏi, ngủ quên khi đang ôm con rồi làm rơi hay trượt tay lúc bế bé... Nhưng trong trường hợp này, tai nạn lại xảy ra vì một bé hai tuổi đang cố gắng chăm sóc cho em trai sơ sinh của mình.
Đoạn video ghi lại vụ việc bắt đầu bằng hình ảnh một cặp sinh đôi nằm trên giường và được trông bởi chị gái khoảng 2 tuổi. Cha mẹ của các bé hay bất kỳ người lớn nào không xuất hiện trong hình.
Đột nhiên, một trong hai em bé sinh đôi bắt đầu khóc. Người chị đã đi đến và cố gắng an ủi em. Nhưng bé vẫn tiếp tục khóc và cô chị đã cúi xuống ôm em lên. Đây là cách mà cô bé vẫn nhìn thấy người lớn làm, chỉ có điều thao tác của cô bé hoàn toàn không chính xác: không đặt tay đỡ lưng, cổ của em, cô bé kéo em trai mới sinh của mình lên và đặt nằm trên vai. Tuy nhiên, cô bé còn quá nhỏ và không đủ sức để đẩy em trai lên vai. Kết quả là cả hai cùng ngã ngử xuống đất.
Em bé khóc váng lên sau cú ngã và bị chảy máu. Cô bé 2 tuổi tỏ ra bối rối những vẫn cố gắng ngồi đó để dỗ dành em cho đến khi một người phụ nữ xông vào la mắng cô bé.
Câu chuyện trên có thể không hiếm gặp trong các hộ gia đình có nhiều con nhỏ. Và hậu quả để lại cho đứa trẻ sơ sinh sau cú ngã có thể là ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ. Trong khi đầu của trẻ còn mềm và sự va đập vào bề mặt cứng dễ gây vỡ mạch máu bên trong - còn gọi là xuất huyết. Ngay cả khi không có chảy máu, nguy cơ sưng, tạo ra áp lực trong não vẫn có thể xảy ra.
Nếu bé bị ngã và có những biểu hiện dưới đây, bố mẹ hãy lập tức đưa trẻ đến bệnh viện:
- Co giật
- Buồn ngủ
- Nôn ói
- Bất tỉnh
- Vết bần có thể nhìn thấy được hoặc sưng ở vùng đầu
- Chảy máu từ mũi, tai hoặc miệng
Khi tai nạn xảy ra, điều quan trọng hơn cả là hãy giữ bình tĩnh. Hít một hơi thật sâu, kiểm soát cơn hoảng sợ và cố gắng xoa dịu con. Nếu con bạn có thể bình tĩnh sau vài phút và nếu bé có thể phản ứng lại với bạn, có thể con không sao cả. Tuy vậy, bạn vẫn cần kiểm tra xem có các vết sưng, vết bầm tím, chảy máu và cử động cánh tay, chân của bé.