Còi bạc Vũ Bảo Linh thể hiện bản lĩnh trận mạc của mình. Ảnh: ĐH. |
Cho đến giờ, sự cố trên sân Cao Lãnh mùa giải 2010 vẫn chưa thể nào quên với ông Linh. Hàng vạn CĐV trên sân, hình ảnh trận đấu được trực tiếp trên truyền hình, nhưng mình đã trở thành “vật tế sống” của tiền đạo Lê Công Vinh, người chỉ bằng tuổi con, tuổi cháu mình. Không chỉ bị vái lạy một lần, ông Linh bị Công Vinh biến thành trò cười tới vài lần. Tất nhiên sau đó, tiền đạo CLB Hà Nội T&T đã bị treo giò tới 6 trận nhưng án phạt đó chưa thể đủ cho một hành động xúc phạm nặng nề.
Sau trận đấu đó, bản lĩnh như ông Linh cũng phải thấy sốc: “Tôi thực sự choáng khi bị lạy sống trên sân. Trong nghiệp cầm còi tôi chưa từng bị ai lạy thế bao giờ”. Đích thân Công Vinh sau đó đã gửi lời xin lỗi tới trọng tài Linh nhưng có một sự thật, kể từ đó ông Linh trở thành trọng tài được nhiều người biết đến qua hình ảnh đáng quên nhất kể từ khi bước vào nghiệp cầm còi.
Khi nói nhiều thường hay nhàm chán, nhưng sau này, cứ mỗi khi ông xuất hiện, người ta lại nhắc tới một trong hai nhân vật chính của pha vái lạy lịch sử đó. Phải thừa nhận, chính hành động đáng xấu hổ của Công Vinh, đã biến ông thành một trọng tài bản lĩnh hơn, lì lợm hơn và sẵn sàng đối diện với bất cứ trận đấu áp lực nào. Bởi vậy, chẳng ai ngạc nhiên khi thấy Bảo Linh được tin tưởng giao cho bắt trận chung kết trên sân Vinh giữa SLNA và Hà Nội T&T mùa trước.
Trước trận này, ai cũng nghĩ Võ Quang Vinh sẽ được giao trọng trách nhưng Hội đồng trọng tài Quốc gia đã tin tưởng vào bản lĩnh của một trọng tài nhiều năm chinh chiến, sẽ làm tốt hơn trong một trận đấu căng thẳng như vậy. Còn nhớ trước trận đấu đó, Vũ Bảo Linh tâm sự: “Nếu được điều hành trận đấu quyết định chức vô địch mùa giải, đó sẽ là vinh dự lớn với bất cứ những người theo nghiệp cầm còi nào. Vinh dự nhưng đi kèm đó là trách nhiệm, nên phải cố gắng hết sức”.
Ý thức được việc phải có cái đầu tỉnh táo để đưa ra quyết định chính xác, Vũ Bảo Linh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong một trận đấu rất kịch tính. Trong suốt cả trận, hầu như không một phản ứng hay hành động nào phản ứng trước quyết định của ông.
Thế nhưng, không phải trận nào ông Linh cũng được ra về với những tràng vỗ tay khen ngợi. Các đội bóng giờ thường có thói quen đổ mọi tội cho trọng tài. Bởi vậy, không ít lần ông bị các HLV hay các thành viên đội bóng chỉ tận mặt mà chửi, mà mắng. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, Bảo Linh ít khi “vặc” lại mà chỉ đứng lặng im, mọi sai đúng đều có người trách nhiệm xử lý. Sự lì lợm đã giúp Bảo Linh bắt ngày một tốt hơn và chính ông được bầu chọn cho danh hiệu Còi bạc mùa rồi.
Sự nghiệp cầm còi vốn chẳng yên ả. Bắt tốt trận chung kết năm 2011 bao nhiêu thì cũng trên sân Vinh, cũng giữa cuộc chạm trán giữa SLNA và Hà Nội T&T, Bảo Linh đã bị các CĐV dạo giết, còn các thành viên đội chủ nhà ra sức mắng chửi ông thậm tệ. Trong hoàn cảnh tính mạng bị đe dọa, một lần nữa chất “lì” của ông Linh lại được thể hiện. Ông Linh thẳng thắn nói: “Tôi đã làm tốt công việc của mình và chẳng phải sợ điều gì, kể cả lời đe dọa của các CĐV”.
Ông Vũ Bảo Linh tranh luận với HLV Nguyễn Hữu Thắng sau trận cầu kịch tính SLNA gặp Hà Nội T&T ở vòng 3 Super League. Ảnh: Mai Hương. |
Từ một Vũ Bảo Linh bị tế sống, tới một Vũ Bảo Linh không sợ lời dọa giết của các hooligan, đã nói hết cái tính cách lì lợm của Vua áo đen Vũ Bảo Linh. Bản lĩnh là tốt, nhất là với những trận cầu căng thẳng. Chỉ có điều, một khi sự lỳ lợm không đi đôi với quyết định chính xác, Còi bạc Bảo Linh sẽ bị trả giá đắt bất cứ lúc nào. Ông Linh từng có câu nổi tiếng “Cầm còi cũng có nhiều vấn đề. Có những lúc mắc sai lầm nhưng mắc sai lầm vì cái gì mới là quan trọng”.
Hy vọng ông sẽ không mắc nhiều sai lầm. Khi đó, những trọng tài như ông vẫn rất cần thiết cho môi trường đầy khắc nghiệt như bóng đá Việt Nam.
Mai Hương