Chị Hòa có sở thích đi shopping. Chị xem đó là một hình thức giải trí, giảm stress lành mạnh, tuy có hơi tốn kém. Mỗi lần trở về nhà sau một ngày thỏa chí mua sắm, tâm trạng chị Hòa vui vẻ phấn chấn.
Chiều ý vợ, anh Tuấn - chồng chị - thường động viên chị đi mua sắm giải khuây những lúc rảnh rỗi. Ấy thế là thú vui chị thành cái họa cho gia đình. Càng về sau, chị càng sa đà, hệt như một người nghiện shopping, dù không phải trong bất kỳ cuộc "giải tỏa stress" nào chị Hòa cũng mua sắm cho riêng mình.
Chị bao trọn gói các vật gia dụng từ máy móc trang thiết bị điện tử, điện lạnh, đồ trang trí nội thất đến quần áo, chăn drap, gối đệm... cho cả gia đình. Chị "tha" về nhà tất cả những món đồ chị cho rằng cần thiết mà ít khi suy tính đến hiệu suất, khả năng tài chính cũng như không gian sắp đặt trong nhà. Chị tính sẵn nếu chồng có ý kiến thì chị sẽ bảo đổi cái cũ lấy cái mới chỉ bù thêm ít tiền.
Cứ nghĩ làm vui lòng vợ, anh Tuấn cũng không có ý kiến gì cho đến một hôm anh sửng sốt khi biết chị Hòa tiêu gần hết khoản tiền tiết kiệm trong tài khoản chung của gia đình. Chi phí mua sắm hàng tháng lên đến vài chục triệu đồng vì hầu như tháng nào trong nhà cũng xuất hiện một món đồ mới hiện đại hơn, sáng bóng hơn.
Khác với chị Hòa, chị Hà nhân viên công ty dầu khí thì luôn bị ám ảnh với ý nghĩ sợ chồng cho rằng mình không có khả năng vun vén gia đình. Chị luôn phải nói dối chồng về giá các món đồ dùng trong nhà. Mua đôi giầy 500.000 đồng thì chị Hà hớn hở khoe mình mua được ở cửa hàng giảm giá 200.000 đồng, mua bộ váy mới thì chị bảo của cô bạn đồng nghiệp mặc chật nên cho chị. Cả tiền chợ, tiền tiêu vặt hàng ngày chị cũng không dám nói thật với chồng.
Riết rồi thành quen, anh chồng chị Hà hầu như không biết gì về các khoản chi tiêu của vợ. Cho đến một hôm chị ốm, phải nằm bệnh viện liền mấy tuần, anh chồng phải đi siêu thị lo mua sắm, mọi chuyện mới vỡ lẽ.
Chuyện gia đình anh Dũng - chị An lại khác. Anh Dũng là chuyên gia kỹ thuật ở một công ty bảo hiểm nước ngoài, lương tháng gần 2.000 USD. Vì thế, anh bảo vợ nghỉ làm ở nhà lo chuyện nội trợ và để riêng 1.000 USD cho vợ lo các khoản chi dùng trong gia đình hàng tháng.
Với số tiền đó, anh yêu cầu vợ phải chu tất các khoản chi tiêu trong đó đã bao gồm 300 USD thuê nhà hàng tháng và 500 USD tiền đóng học phí trường mầm non quốc tế cho hai đứa con, và nhiều thứ tiền chi tiêu gia đình khác như tiền điện, nước, tiền chợ, điện thoại, mua sắm các vật dụng cần thiết. Số tiền lương còn lại anh Dũng cất riêng, tự thưởng cho mình qua thú vui sưu tầm đồ cổ. Muốn mua sắm hay tiêu xài thêm gì ngoài khoản tiền cố định hàng tháng chị An phải cho chồng một "giải trình" hợp lý.
Mỗi nhà mỗi cảnh, thái độ và thói quen về tiền bạc chính là cá tính riêng của mỗi người. Nhìn chung có bốn dạng người sau đây:
- Dạng người tiêu xài
- Dạng người tích lũy
- Dạng người hay lo lắng
- Dạng người hay né tránh
Căn cứ trên 4 đặc tính điển hình ta có thể phân định ra những ưu điểm và khuyết điểm riêng trong cách quản lý chi tiêu.
Nếu bạn người ở nhóm thứ nhất (thích tiêu xài), thì khó có thể dung hòa với vợ hoặc chồng ở nhóm người thứ hai (tích lũy) và nhóm người thứ ba (lo lắng) và ngược lại. Vì vậy sẽ xuất hiện giải pháp như tiền ai người nấy quản lý, không có gì được gọi là tiền chung của hai vợ chồng, tuy nhiên, giải pháp này về lâu về dài cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn khó giải quyết.
Hai vợ chồng có thể dành ra một quỹ chung của gia đình, phần còn lại được tự do xài riêng, tuy vậy cả hai bên cũng phải thật khéo léo để chuyện tiền nong không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tâm lý của đối phương.
Dựa trên các số liệu điều tra về quản lý tài chính thành công ở các gia đình trẻ, các chuyên gia tư vấn đưa ra lời khuyên nên tập trung mọi khoản thu nhập trong gia đình về một mối, đồng thời hai vợ chồng phải thống nhất với nhau về kế hoạch quản lý và chi tiêu. Sự đồng thuận giữa hai vợ chồng chính là nền tảng tạo dựng hạnh phúc, cả hai bên đều phải học cách dung hòa, hy sinh những yếu tố liên quan đến sở thích, quan điểm tiêu xài cá nhân để tạo dựng hạnh phúc chung trong gia đình.
Việc thảo luận thẳng thắn các vấn đề về tài chính sẽ giúp hai vợ chồng tìm ra giải pháp thích hợp mà không làm tổn thương đến nhau. Bên cạnh đó, phải minh bạch với nhau về các khoản chi thu trong gia đình, ngay cả trong những dịp có nguồn thu nhập bất thường hoặc phát sinh những chi tiêu ngoài ý muốn.
(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)