Ngồi tại khu phòng khám của Bệnh viện E nhưng không thấy điều gì khác lạ. Thái độ của cả bác sĩ và bệnh nhân đều khá thân thiện. Nhưng đến khoảng 3h30 chiều, một bệnh nhân cấp cứu được đưa vào viện trong tình trạng gãy gập hàm dưới, vết rách trên đầu sâu và dài 10 cm.
Bệnh nhân được sơ cứu tại phòng cấp cứu ngoại rồi chuyển lên khoa răng hàm mặt. Bác sĩ khoa răng hàm mặt yêu cầu mua phiếu khám và người nhà bệnh nhân xuống ghi phiếu, nộp tiền. Quan sát thấy, người nhà bệnh nhân đã phải đứng ở phòng thu tiền khoảng 30 phút đồng hồ, lúc đầu còn năn nỉ người thu tiền thu giúp để cho người nhà được chữa trị, sau chỉ biết đứng yên nhìn người thu tiền uống nước.
Anh người nhà năn nỉ: “Chị thông cảm, không phải em đến khám răng muộn mà do người nhà em bị tai nạn, vừa nhập viện”. Nghe xong, cô nhân viên thu ngân (khoảng 40-45 tuổi) vẫn thản nhiên ngồi uống nước, đếm tiền. Sau khoảng 30 phút, cô mới đủng đỉnh yêu cầu nộp 30.000 đồng và yêu cầu phải nộp tiền lẻ vì không có tiền trả lại (dù cô đang cầm một nắm tiền trên tay). Nộp xong, anh người nhà còn cẩn thận quay lại cảm ơn cô nhân viên và vẫn nhận được cái nhìn khó chịu.
Vào viện E trong khoảng từ 2h30 đến 4h30 thì nhận thấy, chị nhân viên đó của viện E đối xử với người nào cũng vậy: cáu kỉnh, hạch sách, nhiều lúc còn quát hỏi người bệnh “sao không đến khám sớm hơn mà đợi đến chiều mới đến?”.
Phòng soi dạ dày của Khoa tiêu hoá Bệnh viện 108 hôm đó khá đông. Ngồi cùng vào dãy những người ngồi đợi kết quả, được nghe kể về thái độ của một cô y tá tên Huyền. Người kể là một thanh niên người Hưng Yên, đưa bà đến soi dạ dày. Bà cụ 79 tuổi.
Anh kể: "Bà tôi yếu lại nghễnh ngãng, cô ta không gọi tôi vào để dặn dò mà cứ dặn bà cụ. Nghe xong không hiểu, cụ phải hỏi lại. Thế là cô ta mắng luôn: “Bà ngu thế. Ngu như bà chữa bệnh làm gì”. Nghe thấy bà bị mắng, tôi liền bảo: “Nếu bà tôi không hiểu, hoặc chị kiên trì giải thích hoặc gọi người nhà vào giải thích, ai lại bảo bà già gần 80 tuổi là ngu như thế”. “Ngu thì bảo là ngu chứ. Có giỏi cứ gọi người nhà đến. Đây đếch sợ”. Rồi cô ta thản nhiên ném sổ khám bệnh lên bàn. Sau đó mấy phút, chúng tôi cũng được chứng kiến cô ta quát một bệnh nhân nội trú khác đang ra khỏi phòng nội soi. Chẳng qua là vì bệnh nhân đó không kịp tránh đường cho cô ta đi".
Chuyện này xảy ra tại Khoa huyết học lâm sàng bệnh viện Nhi Trung ương. Hôm đó, một phòng của khoa đang sửa lại nên tất cả các bệnh nhi được chuyển ra khu vực phòng khám nằm điều trị. Đông, ồn ào và nóng bức. Đến khoảng 3h30, một bệnh nhi nhập viện cấp cứu. Mẹ bệnh nhi đứng chờ chị y tá đang làm hồ sơ cho một bệnh nhi khác.
Vô tình, cuốn sổ khám bệnh và các giấy tờ khác bị rơi xuống bàn. Thế là chị y tá lên cơn bực, chửi mắng những vị phụ huynh đứng quanh đấy. Chị gọi họ là “bọn mất dạy” (tuổi chị y tá và bố mẹ các bệnh nhi tương đương nhau), định ném sổ vào mặt chị. Dù cho mẹ bệnh nhi có giải thích thế nào chị cũng không nghe và kiên quyết không làm việc tiếp. Phải đến 15 phút sau, chị mới quay lại tiếp tục làm thủ tục nhập viện cho các bệnh nhi còn lại, bỏ mặc những vị phụ huynh bế con đi lang thang khắp khoa vì không có chỗ nằm.
Cũng trong khoảng thời gian tôi ngồi tại khoa Huyết học lâm sàng, hai bố con bệnh nhi huyết tán nọ bị quát: “Làm gì mà đi lại lắm thế. Vào”. Vị y tá quát ầm lên làm bệnh nhi sợ, nép vào người bố. Ông bố phân trần: “Bác sĩ thông cảm, cháu nó nằm để truyền từ sáng tới giờ, mỏi quá rồi, nên tôi cho cháu đi lại một chút rồi vào ngay”. “Không mỏi gì hết, vào”, cô y tá quát. Thế rồi hai bố con lại líu ríu dắt nhau vào đi lại trong phòng. Đúng lý mà nói, y tá lo cho sức khoẻ bệnh nhi, nhưng nhìn đứa bé đã khoẻ được vài phần chỉ xin đi lại mấy phút cho đỡ mỏi vì nằm nhiều cũng không được. Hơn nữa, nói nhẹ nhàng bệnh nhi sẽ nghe ngay, đằng này.
Những câu chuyện trên chỉ là một phần nhỏ của những gì đang diễn ra trong các bệnh viện hàng ngày. “Cũng có thể giải thích được hiện tượng này. Một ngày, tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân, thậm chí còn hơn, vậy thì sao có thể dịu dàng với cả ngần ấy con người. Hơn nữa, bệnh nhân không phải ai cũng hiểu biết, cũng chịu nghe lời. Cáu quát bệnh nhân là không đúng nhưng đôi khi hơi nặng lời với bệnh nhân không thể tránh khỏi”, một bác sĩ nói.
Thực tế, khó có thể giải thích hiện tượng này một cách đơn giản như vậy. Có những phòng, khoa khám bệnh rất đông bệnh nhân nhưng họ vẫn nhẹ nhàng chỉ dẫn bệnh nhân. Ví dụ tại Khoa xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, những y tá trực rất kiên trì hướng dẫn một người nhà bệnh nhân đi nộp viện phí và làm thủ tục bảo hiểm y tế. Người nhà bệnh nhân đi quay lại ba lần vì không hiểu hết, các y tá lại kiên trì giải thích lại rồi vẽ đường cho người nhà bệnh nhân đi làm thủ tục. Thậm chí, họ gọi điện xuống phòng bảo hiểm y tế để nhắn người chờ giải quyết nốt trường hợp này cho khoa. Vậy thì có thể nói rằng vì quá đông bệnh nhân nên không thể kiềm chế được sự nóng nảy của mình không?
(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)